Nạn xâm hại di tích văn hóa Phật giáo - Kỳ 1: Đến chùa xót dạ... thương chùa

Chủ nhật - 31/05/2009 07:38
Gần đây, trên các báo, đài đã có nhiều bài viết báo động về nạn trùng tu di tích. Trong đó bao gồm hành vi lạm dụng danh nghĩa tu bổ di tích lịch sử văn hóa để làm lợi riêng, hoặc muốn di tích “xứng tầm” nhằm chạy theo nhu cầu “thời thượng”, tuy không vụ lợi nhưng sự thiếu hiểu biết trong bảo tồn, tu sửa cộng với nhiệt tình một cách thái quá đã khiến công trình văn hóa bị xâm hại một cách vô tội vạ...

Biết sai nhưng... vẫn làm.

Theo thống kê của Cục di sản văn hóa, hiện nay trên cả nước có khoảng 5.300 di tích cấp tỉnh, hơn 3.000 di tích cấp quốc gia và 5 danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cũng theo thống kê trên, tình trạng lấn chiếm di tích diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Chỉ riêng TP.HCM, số lượng di tích bị lấn chiếm là 1/3. Tình trạng “cải biên” di tích, chảy máu cổ vật, làm mới di tích… có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa của trung ương chưa thật sát sao trong việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời can thiệp đối với các vi phạm trong quản lý di sản văn hóa tại địa phương. Nhiều di tích bị vi phạm nghiêm trọng nhưng chỉ đến khi báo chí lên tiếng thì cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa mới vào cuộc. Những năm gần đây, chuyện gọi là “trùng tu di tích” theo kiểu “đập phá để xây lại” hoặc “biến cổ thành tân” xảy ra khắp nơi. Bản thân chúng tôi cũng đã từng chứng kiến cảnh đau lòng xót dạ trước việc người ta làm mới di tích. Luật Di sản Văn hóa, chương I, điều 14, điểm 12,  quy định: “Tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Và điều 4, điểm 13 quy định: “Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng đo”. Như vậy, theo Luật Di sản Văn hóa do Quốc hội nước CHXHCN VN thông qua năm 2001 thì việc tu bổ di tích lịch sử - văn hóa không cho phép đập bỏ để xây mới một di tích. Việc tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng phải được cấp có thẩm quyền cho phép phục hồi di tích thì mới có được hoạt động phục dựng lại di tích lịch sử văn hóa đã bị hư hoại trên cơ sở các cứ liệu về khoa học, về di tích lịch sử văn hóa đó. Vậy, chiếu theo đó thì việc đập phá để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Đình Bảng là hoàn toàn trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định về tu sửa di tích lịch sử - văn hóa. Thế nhưng việc xử lý các vi phạm trên cho đến nay vẫn chưa được rõ ràng ?!

 

Khu vườn tháp cổ Chùa Giác Lâm( Tân Bình) bị sơn mới hoàn toàn

Nhiều di tích Phật giáo bị xâm hại

Có lẽ, chưa bao giờ công cuộc trùng tu tôn tạo di tích ở Việt Nam lại đi vào “cao trào” như hiện nay. Người ta đua nhau làm mới di tích để “xứng tầm” nhằm chạy theo nhu cầu “thời thượng”. Với sự kém hiểu biết cộng với sự nhiệt tình một cách thái quá thành ra “hành hạ” di tích một cách vô tội vạ. Tệ hại hơn, họ coi đó như một cách bày tỏ tín tâm, sự sùng kính Tam bảo! Nếu có dịp đến viếng chùa Bình, chùa Tướng, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh hay chùa Chuông ở Hưng Yên, chùa Trăm Gian (Hà Nội - ngôi chùa có hơn 700 năm tuổi nhưng gần đây đã làm mới hoàn toàn nhà ngự, kè hồ, tả vu, hữu vu; khổ nỗi các vật liệu xây dựng lại không đúng với tính chất của di tích)… mà thấy đau lòng khi nhìn các di tích đang dần dần bị xẻ thịt. Đó chỉ mới đề cập đến vài chùa tiêu biểu ở phía Bắc, còn ở TP.HCM thì càng thảm thương hơn khi nhìn thấy các di tích Phật giáo bị… “luộc”. Gần đây, chúng tôi “vi hành” đến các di tích Phật giáo nổi tiếng trên địa bàn thành phố. Thật lòng mà nói, khi đến chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Phụng Sơn… thì  “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”! Chưa kể  đến việc các di tích bị lấn chiếm hay cảnh buôn bán hàng nước, chim phóng sanh… trong khuôn viên di tích làm mất mỹ quan và nguy cơ xâm hại di tích, chỉ nói về cách tu sửa di tích thôi cũng đủ làm ta kinh hoàng! Tại chùa Phụng Sơn (Q.11) - ngôi chùa tạo lập từ thời vua Gia Long (1802-1820), được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia. Thế nhưng, từ ngoài cổng chùa đã ê hề cảnh hàng quán, bãi đậu xe. Bước vào khuôn viên chùa, cảnh tượng đầu tiên không gợi lên một di tích nghệ thuật kiến trúc mà thay vào đó là những pho tượng mới làm bằng đá non nước được dựng khắp nơi. Tiền đường chùa tôn trí hai pho tượng Văn Thù và Phổ Hiền Bồ tát làm bằng đá trắng toát, bên dưới là tượng Di Lặc bằng xi măng được sơn màu đỏ rực và quanh sân là bốn con sư tử bằng đá trông rất oai vệ.Chỉ bàn về cách bài trí thôi cũng đủ làm ta choáng ngợp huống gì cảnh “chùa xưa tượng mới, biến cổ thành tân” dày đặc khắp sân di tích. Đau lòng hơn nữa là các pho tượng cổ có giá trị cao về văn hóa cũng như nghệ thuật lại bị tô, sửa làm tan biến các giá trị văn hóa Phật giáo cổ xưa. Nhiều pho tượng sơn lại trông như bôi phấn màu. Ðáng sợ hơn, các pho tượng Hộ pháp, bộ tượng Tam thánh Già Lam Thánh chúng… lại bị phủ sơn công nghiệp kín mít làm các pho tượng không còn chỗ để… thở, chỉ một thời gian tượng sẽ phá ra và hỏng toàn bộ.

 

Khán thờ Thần tài,Ông Địa trước di tích Chùa Giác Viên Q.11

Rời chùa Phụng Sơn chúng tôi đến thăm di tích chùa Giác Viên (Q.Tân Bình), một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Nam Bộ. Chùa tạo lập năm 1805, hiện còn lưu giữ 153 pho tượng cổ, 57 bao lam, hầu hết có niên đại từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đó thực sự là những di sản cực kỳ quý hiếm nhưng tất cả đều nằm trong tình trạng báo động đỏ về hư hại. Cách đây 2 năm chúng tôi đã có lần về thăm di tích chùa Giác Viên, nhưng lần ấy chùa vẫn giữ nguyên hiện trạng của di tích. Hai năm sau quay lại thì hỡi ơi, trước di tích lại “mọc” ra một “khán thờ” to tướng gần như che hết ngôi chùa cổ. Bên trên Thần Tài, Ông Địa được sơn phết rực rỡ. Khoan bàn về vấn đề tu sửa di tích chỉ nói đến cách thờ tự ở một ngôi chùa thôi cũng đủ làm ta… đau đầu! Bản thân tôi thường đi khắp các chùa trên cả nước, nhất là những ngôi chùa cổ nhưng chưa thấy  chùa nào lại dám xây đài lớn, rộng chỉ để thờ hai vị Ông Địa và Thần Tài, không hiểu sao chùa Giác Viên lại tin vào kiểu tín ngưỡng… "cầu may" đến thế. Không biết khi chùa xây thêm phần “khán thờ” này có được sự cho phép của các cấp thẩm quyền về quản lý di tích? Hay “thấy mà không nói”! Dạo quanh khu vườn tháp cổ chùa Giác Viên, những ngôi  mộ tháp có hàng trăm năm tuổi giờ đây còn phải chống chọi với các rãnh nước tù động hôi thối bao quanh dưới chân tháp từ ngày này qua tháng nọ, thậm chí các hộ dân xung quanh còn phơi đồ sinh hoạt cạnh khu tháp cổ, gây phản cảm và xâm hại đến mỹ quan di tích. Thử hỏi, đã bao lần các cơ quan quản lý di sản văn hóa về “thăm” chùa Giác Viên ?!

 

Nghe họa sĩ Phan Cẩm Thượng và họa sĩ Lê Thiết Cương ca ngợi về vẻ đẹp của chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình) cũng như bộ tượng thờ và vườn tháp cổ mà lòng thấy tự hào. Tự hào vì mình là người thành phố, lại được thiện duyên thường về Giác Lâm chiêm ngưỡng các pho tượng cổ. Nhưng có lẽ bác Thượng và bác Cương lâu rồi chưa dịp về thăm lại Giác Lâm. Gần đây, chùa đã tiến hành quét sơn khu vườn tháp trông không còn cổ kính như trước kia nữa rồi! Ngôi tháp ba tầng, xung quanh cẩn dĩa sứ là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho dòng kiến trúc tháp Nam Bộ xưa, thế nhưng từ nay ngọn tháp khoác lên mình một màu áo mới hoàn toàn xa lạ, chỉ được “sánh vai” với những ngôi tháp mới khác trong vườn xưa!

Nếu như chùa Giác Viên có các bao lam tuyệt mỹ thì các pho tượng cổ chùa Giác Lâm chính là những tuyệt tác trong nghệ thuật điêu khắc Nam Bộ xưa còn lại tại Sài Gòn này. Tại tòa chánh điện chùa Giác Lâm, trước kia chỉ tôn trí các pho tượng cổ, và đó là “hồn thiêng” của chùa, thế nhưng không hiểu muốn “xứng tầm” thế nào mà chùa lại  thỉnh thêm bảy pho tượng Phật bằng gỗ mới toanh, tôn trí trước bàn thờ chính trong chánh điện. Thật là một kết hợp theo kiểu “tân cổ… giao duyên” rất nực cười. Mong sao các pho tượng mới kia trông thấy… vô duyên mà nhường chỗ lại cho các “lão tượng” đã ngự trị nơi đây hàng trăm năm qua!...

Kỳ 2: Các giải pháp về quản lý và  bảo tồn di tích văn hóa Phật giáo.

Nguồn tin: theo giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây