Viết tiếp bài Khi Kỷ lục gia bị tố cáo đạo nhạc: Quý hồ đa bất quý hồ tinh

Thứ sáu - 26/06/2009 08:28
Có những bài lời lẽ hết sức ngô nghê và "phô" như bài Biển tình (trang 44, thơ Pháp Minh): "Biển tình em đã tắm chưa? Còn anh đã tắm từ xưa đến giờ. Em ơi, em ơi chớ có dại khờ. Bao nhiêu người khổ bây giờ đến em. Không tin, không tin em cứ thử xem. Nhớ thương khổ não mấy phen ngậm ngùi. Không tin, không tin em cứ thử xem. Chỉ vui chút xíu mà lấm lem một đời".

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Khi kỷ lục gia bị tố cáo đạo nhạc, chúng tôi đã nhận rất nhiều thông tin phản hồi từ đông đảo bạn đọc. Đặc biệt, chúng tôi được cung cấp tập nhạc gồm toàn bộ 639 ca khúc Phật giáo của ông Vũ Ngọc Toản. Có nhiều điều bất ngờ từ tập nhạc này...

Ca từ... "bổ ngửa" 

Người cung cấp tập nhạc "Tuyển tập I: Niềm an vui - 639 nhạc phẩm Vũ Ngọc Toản - Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo Thành hội TP.HCM nhiệm kỳ VII (2007-2012). Kính trình xin xác lập kỷ lục Việt Nam(11.11.2008)" là cư sĩ Tánh Thuần (Ủy viên Nghi lễ, Phân ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử Thành hội Phật giáo TP.HCM). Như chúng tôi đã thông tin, đây là tập nhạc gồm 639 ca khúc do ông Vũ Ngọc Toản phổ từ thơ của rất nhiều người và là cứ liệu chính thức nộp cho VIETKINGS để xét duyệt, xác lập và cấp chứng nhận kỷ lục. Tuy nhiên đọc những ca từ trong tập nhạc này, chúng tôi thật sự "bổ ngửa" vì có rất nhiều bài thơ tình sướt mướt, ủy mị từ đầu đến cuối không hề mang một chút hơi hướm đạo lý nhà Phật.

Đơn cử, bài Anh còn nhớ (trang 2, thơ Nguyễn Ngọc Mai): "Anh còn nhớ tuổi học trò ngày ấy. Buổi tan trường em ríu rít bên anh. Trời đổ mưa ta che chung tấm áo. Em thẹn thùng mưa lại xuống thật nhanh... Anh còn nhớ nắng sân trường ngày ấy. Ta chơi trò đuổi bắt dưới tàng cây. Em trốn biệt anh tìm hoài chẳng thấy. Nắng nhạt nhòa trong khóe mắt nào cay...". Nhạc Phật giáo đây ư? Bài Bên bờ giác (trang 32, thơ Nguyễn Miên Thượng): "...Có em bên cạnh một phần đời. Nhiều khi tình vẫn cứ... chơi vơi. Đói khát đến từng câu ân ái. Thèm thuồng ngay cả vòng tay lơi...". Nhạc Phật giáo đó sao?

Có những bài lời lẽ hết sức ngô nghê và "phô" như bài Biển tình (trang 44, thơ Pháp Minh): "Biển tình em đã tắm chưa? Còn anh đã tắm từ xưa đến giờ. Em ơi, em ơi chớ có dại khờ. Bao nhiêu người khổ bây giờ đến em. Không tin, không tin em cứ thử xem. Nhớ thương khổ não mấy phen ngậm ngùi. Không tin, không tin em cứ thử xem. Chỉ vui chút xíu mà lấm lem một đời". Nhạc Phật giáo mà có... "Cà phê cóc Sài Gòn" (trang 65, thơ Phương Liên): "Hàng quán cà phê cóc Sài Gòn. Ghi dấu chân tôi bao lần rồi. Từ lúc thư sinh tôi tập ngồi ngắm phố xe, dòng người. Và đến bây giờ cũng thế thôi. "Cóc con rùa" bên hàng cây xanh mát. Phố nhân tình trai gái sánh đôi. "Cóc Nguyễn Huệ" chờ vào xem phim mới. Háo hức mong đợi được một ngày vui. "Cóc Lê Lợi" ăn kem ngồi ngắm phố. Hay dạo chơi tìm một cuốn sách hay. Đề tặng người yêu thay lời nồng nàn. Hứng thú mơ màng hẹn nàng đến tuần sau..."...

Quả thật, nếu trích dẫn hết thì không trang báo nào chuyển tải cho đủ. Chúng tôi chỉ kiến nghị Hội đồng thẩm duyệt Guinness VN nên đọc lại những bài Anh đã đến đừng về (trang 3, thơ Trương Thị Lai), Bốn mùa Hà Nội tôi về (trang 46, thơ Tố Nga), Chiến thắng (trang 110, thơ Nguyễn Duy Khương), Chờ ai (trang 111, thơ Trương Thị Lai), Đà Lạt (trang 154, thơ Văn Điền), Mưa (trang 456, thơ Trương Thị Lai - Phạm Vũ Hoài Long), Ngu công (trang 522, thơ Huỳnh Ngu Công), Nhớ Huế (trang 569, thơ Nguyễn Thanh Nhã), Quà tặng tình yêu (trang 613, thơ Nguyễn Ngọc Mai), Quà trung thu cho con (trang 615, thơ Huệ Thành), Rũ áo phong sương (trang 634, thơ Trương Thị Lai-Phạm Vũ Hoài Long), Nắng thủy tinh (trang 487, thơ Trương Thị Lai), Sài Gòn giao thừa (trang 636, thơ Nguyễn Duy Khương), Sài Gòn lễ hội cà phê (trang 637, thơ Kim Hoa)... thì sẽ thấy ngay là nhạc gì.

Có đánh tráo thơ?

Đó là "nhạc phổ thơ" (của người khác), còn tác phẩm của chính tác giả Vũ Ngọc Toản cũng khiến chúng tôi "sửng sốt" bội phần khi ca ngợi một quán cà phê Thu Hà nào đó ở Phố núi: "Một thoáng qua đây mùi hương chan hòa. Tỏa ngát trong ta cà phê Thu Hà. Hồn ta bỗng dưng đang bay về phố núi. Ước mơ có em trong tay đẹp đôi đi giữa lòng vườn cà phê thơm ngát, dâng tràn ý thơ... (Một thoáng Pleiku - trang 448).

Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện sau khi dư luận xầm xì thì đã có hiện tượng đánh tráo bài trong tuyển tập để làm đậm thêm "chất Phật": Bìa tuyển tập nhạc này ghi rõ Kính trình xin được xác lập kỷ lục Việt Nam (11.11.2008). Thời điểm xin xét duyệt là như vậy nhưng ở bài Đóa sen trái tim (trang 204, nhạc và lời Vũ Ngọc Toản) ở ngay dưới tựa bài, tác giả có mở ngoặc Bài ca chính thức khóa tu mùa hè 12.7.2009 tại chùa Hoằng Pháp. Rồi 2 bài thơ của Hạnh Phương: Phật ngọc (trang 587) và Nhất bộ, nhất bái (trang 587) theo thầy Thích Huyền Lan - một người chuyên sưu tầm thơ Phật giáo thì tác giả đã sáng tác 2 bài thơ này vào ngày 26.3.2009, đăng trên báo Giác Ngộ số 480 ra ngày 11.4.2009. Rõ ràng 3 bài này được bổ sung sau ngày 11.11.2008.

Nguồn tin: Hà Đình Nguyên (Nguồn: Thanh Niên Online)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây