Mang chục lá bùa vào phòng thi cầu may

Thứ hai - 06/07/2009 20:29
Chùa Hà trong những ngày này ken đặc người đến lễ bái. Trong cái nắng gay gắt cộng với mùi khói hương nghi ngút, các sĩ tử chen nhau trong đám đông lầm rầm khấn vái mong cầu đỗ đạt trong kì thi sắp tới. Không chỉ lên chùa cầu may, nhiều phụ huynh, còn thỉnh bùa dâng sớ cùng trăm nghìn biện pháp tâm lý với mong muốn con mình gặp nhiều may mắn và đỗ đạt trong kì thi ĐH căng thẳng sắp tới.

Tôi vào trang tìm kiếm “google” tìm vào những trang có nói về bùa chú. Tại các trang này, những  câu hỏi kiểu như: “Con của con chuẩn bị thi Đại Học, thầy có loại bùa nào thi đỗ đạt không?” - không phải là hiếm. 

Lá bùa đi trước, may mắn theo sau?

 

Những ông pháp sư giấu mặt vẫn bán bùa “thi” cho những người không tin vào chính mình, với giá không hề rẻ. Còn chất lượng “bùa” đến đâu lại tuỳ vào người sử dụng. Tất nhiên, “thầy” sẽ “thòng” cho đối tượng sử dụng một loạt những nguyên tắc, kiêng khem khi sử dụng bùa. Nhiều đến mức khó một người bình thường nào có thể hoàn thành được hết những điều này. Nhưng nhiều người vẫn tín vào sự linh ứng của những lá bùa khi coi thi cử là một “cuộc may rủi”.

Trước khi đi thi, Hương, (Thái Nguyên)  thí sinh ĐH Kinh tế Quốc dân còn được mẹ chuẩn bị cho gần chục lá bùa phòng thân. Bùa sức khoẻ, bùa học hành hanh thông, bùa đuổi tà ma… Mỗi lá bùa là một chất liệu khác nhau, từ giấy, vải sợi chỉ… được bà mẹ gói cẩn thận để trong hộp bút.

Bác Hà, mẹ Yến vừa giơ bùa dây màu đỏ nói rất nghiêm trọng, “Mỗi nút thắt này là bao nhiêu công lực của các thầy đấy. Linh lắm!”. Cũng theo lời bác Hà thì không phải ai cũng biết chỗ nào có bùa mà thỉnh và không phải ai thỉnh cũng được. Có được chỗ bùa này, bác Hà phải đi thỉnh tứ phương nhiều thầy cao tay. Đến khi Yến đi thi, Bác Hà bắt Yến đem đi hết để cái này không linh thì còn có cái khác.

Rất cẩn thận, bà mẹ này còn chia mấy cái để con gái đeo vào cổ, mấy cái bùa gài vào túi áo để đề phòng giám thị chú ý đến Yến.

Cho tôi xem lá bùa bé xíu ở trước ngực, Hạnh, thí sinh ĐH Công Đoàn nói như khoe, lá bùa này mẹ em xin ở ngôi miếu gần nhà. Thiêng lắm chị ạ. Hai anh của em cũng xin bùa ở đấy nên đỗ ĐH hết”.

Cũng được mẹ thỉnh bùa nhưng Vân Anh, thí sinh ĐHKHXH & Nhân văn thì lại rất tin vào sức học của mình. “Em đem theo bùa cho mẹ em vui thôi. Bùa chú là liệu pháp tâm lý đối với…mẹ em”, Vân Anh tâm sự.

Không nhớ nổi bao nhiêu cái lạy!

Chùa Hà trong những ngày này ken đặc người đến lễ bái. Trong cái nắng gay gắt cộng với mùi khói hương nghi ngút, các sĩ tử chen nhau trong đám đông lầm rầm khấn vái mong cầu đỗ đạt trong kì thi sắp tới. Giữa ban thờ chính, một sĩ tử mướt mồ hôi quỳ bên cạnh mẹ. Bà mẹ suýt xoa khấn vái rất đúng điệu. Bà lầm rầm tên con cùng với địa chỉ, cẩn thận hơn, bà còn đem theo giấy báo thi để trên ban thờ để mong thần linh chứng cho lòng thành của mình. Sĩ tử ấy là L., thí sinh ĐH Công nghiệp. Trước khi đi thi một tuần, mẹ L. bắt L. không được động chạm đến sách vở để xả hơi cho tinh thần được thoải mái. Nhưng thay vì đưa con đến những điểm vui chơi, mẹ L. đưa cậu đi khắp chùa chiền cầu khấn.

Sờ đầu rùa ở Quốc Tử Giám, đi đền Trần (Nam Định) khấn đức thánh Trần, vào phủ Tây Hồ cầu bà chúa Liễu Hạnh phù hộ độ trì cho cậu con quý tử được hanh thông đỗ đạt. Ban đầu, L. thấy ngại vừa thấy mẹ kì quặc, nhưng vì thấy mẹ thành tâm lại lo cho mình quá đà nên L. đành làm theo.

Nhìn mẹ cầu khấn, L. cười méo mó “Em theo mẹ đi lễ nhiều đến nỗi chẳng nhớ mình đã qua bao nhiêu chùa, đền nữa”. Còn Yến (Bắc Giang) còn hoành tráng hơn với cả bố mẹ “song hành” hậu thuẫn cùng đi lễ chùa. Hàng ngày, ngoài việc phải chọn ngày giờ xuất hành, Yến phải làm đủ năm lễ  mới được ra khỏi nhà. Buổi sáng trước khi đi, mẹ Yến bày lễ trong nhà, ngoài sân. Yến theo mẹ đi khắp vườn lễ trời, tạ đất; lễ cây cỏ; vào bếp lễ táo quân, lên nhà lễ gia tiên… Lên đến Hà Nội thì lễ chùa. Cũng như L, Yến không nhớ từ hôm xuống đây đã lạy bao nhiêu cái!. 

Ông Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT):“Nguyên tắc là chỉ được mang theo những gì đã được quy định trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Dù trong quy định không cấm nhưng thầy cô nào khó tính thì vẫn có thể thu những lá bùa đó. Tốt nhất là không nên mang vào”.

PGS. TS. Ứng Quốc Dũng (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh): "Bộ đã có quy định những vật dụng được mang vào thì  thí sinh chỉ nên mang theo những vật dụng đó. Những lá bùa dù không phải là tài liệu hay vật dụng bị cấm trong quy định nhưng nếu phát hiện ra giám thị có thể thu và còn ảnh hưởng đến tâm lý nhiều hơn. Theo tôi tốt hết không mang vào vì không giải quyết được vấn đề gì cả".

Nguồn tin: Theo Hy Na (bee.net.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây