Cần khai thác nét riêng biệt của lễ hội để tạo sự hấp dẫn

Thứ tư - 10/03/2010 18:05
Có thể nhận thấy, trong mấy năm trở lại đây, nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được các cấp, ngành chức năng và các tầng lớp nhân dân quan tâm khôi phục, tổ chức. Đây thực sự là một tín hiệu vui trong công tác giữ gìn, bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn di sản văn hoá của quê hương, dân tộc. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra cho công tác tổ chức, quản lý lễ hội một vấn đề rất cụ thể và thiết thực là: cần quan tâm khai thác nét riêng biệt của lễ hội để tạo sự hấp dẫn… tránh hiện tượng tổ chức theo kiểu “đến hẹn lại lên”.

Vấn đề trên, thực ra đã được đề cập đến từ năm 2008 trong báo cáo của tỉnh với đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Theo đó, hướng quan tâm tới công tác tổ chức, quản lý, phát huy tiềm năng văn hoá lễ hội của tỉnh như kể trên sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc nâng cao chất lượng, tạo ra sự hấp dẫn, đặc biệt là những lễ hội điểm để thu hút ngày càng đông đảo du khách gần xa đến vui hội, du xuân tại Lạng Sơn. Thật vậy, trong mấy năm qua, vấn đề trên đã được tỉnh chú ý nhiều hơn. Càng ngày, các lễ hội đều được quan tâm tổ chức tốt, tạo ra sức lan toả, là điểm nhấn ấn tượng trong mùa lễ hội.

Xuân Kỷ Sửu 2009 và Xuân Canh Dần 2010 này có một điểm đáng chú ý là, lễ khai mạc Chương trình Lễ hội Xuân Xứ Lạng đều được tỉnh ta chọn tổ chức tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) - một trong những địa bàn trọng điểm của khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Lễ khai mạc ấn tượng, hấp dẫn, thực sự là điểm nhấn, sự khởi đầu tốt đẹp cho một mùa lễ hội Xuân trên quê hương Xứ Lạng.

Và qua đây còn thể hiện công tác quy hoạch lễ hội trên địa bàn đã theo một xâu chuỗi để giúp cho công tác tổ chức, quản lý lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, hệ thống; đồng thời giúp cho du khách vui hội có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt được nhữnglễ hội tiểu biểu của Lạng Sơn gắn với đó là một hệ thống những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quê hương.

Có thể nói, mùa lễ hội, chính là một dịp tốt để Lạng Sơn giới thiệu, quảng bá sâu rộng tiềm năng, vốn di sản văn hoá giàu bản sắc tới đông đảo bạn bè và du khách muôn phương. Do đó, việc quan tâm khai thác nét riêng biệt của mỗi lễ hội để tăng tính hấp dẫn là hết sức cần thiết.                   

Điểm qua một loạt các lễ hội tiêu biểu ở Lạng Sơn thì đều thấy có những nét riêng biệt để tạo ra sức hấp dẫn thực sự. Đơn cử như, ngay sau lễ khai mạc chương trình Lễ hội Xuân Xứ Lạng 2010 là lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng - một trong những lễ hội có sức thu hút mạnh mẽ nhiều lượt du khách. Sức hấp dẫn của lễ hội ở chỗ, Đền Mẫu Đồng Đăng được nhân dân và du khách biết đến là một trong những điểm du lịch văn hoá tâm linh của Lạng Sơn, là điểm lễ hội đầu tiên trong hành trình du lịch lễ hội ở Lạng Sơn.

Tiếp sau lễ hội này là hàng loạt các lễ hội khác cũng được khai mạc như: Lễ hội đền Bắc Nga, Lễ hội Chùa Tam Thanh ngày 15 tháng Giêng, Lễ hội Lồng Tồng làng Khòn Lèng ngày 16 tháng Giêng, lễ hội Chùa Tiên ngày 18 tháng Giêng, lễ hội Đền Kỳ Cùng ngày 22 tháng Giêng, Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng và chương trình tạm khép lại vào ngày 30 tháng Giêng với lễ hội tại thị trấn Lộc Bình.

Đến với mỗi lễ hội, du khách sẽ có được những cảm nhận, sự hiểu biết thú vị và ý nghĩa. Ví như đến với lễ hội Chùa Tam Thanh và Lồng Tồng làng Khòn Lèng (TP Lạng Sơn), du khách sẽ được biết đến những lễ hội truyền thống vãn cảnh, du xuân, cầu tài lộc, sức khỏe… giàu bản sắc văn hóa của thành phố Lạng Sơn với những hoạt cảnh văn hóa, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; đặc biệt là nghệ thuật hát then, đàn tính, gắn với đó là quần thể di tích Nhị, Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc, một trong những danh lam được mệnh danh xưa là “Đệ nhất bát cảnh” Xứ Lạng.

Hay đến với lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa ngày 22 - 27 tháng Giêng, du khách sẽ hiểu được một tổng thể về sự phát triển của thành phố từ phố chợ Kỳ Lừa do Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài khai mở ra phố chợ Kỳ Lừa thành một trung tâm giao thương buôn bán xưa kia và phát triển sau này.

Nét độc đáo của lễ hội là lễ tranh đầu pháo và rước đầu pháo về nhà thờ với ý nghĩa cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, hanh thông. Rồi lễ rước kiệu thần từ Đền Tả Phủ về Đền Kỳ

Cùng được tổ chức long trọng - là sự chiêm bái, đón chào của đông đảo nhân dân, du khách. Hoặc đến với ngày hội văn hóa xã Hải Yến (Cao Lộc), thì ấn tượng và là nét riêng biệt chính là sự xuất hiện của các màn múa sư tử uyển chuyển, độc đáo, sặc sỡ sắc màu, là các màn biểu diễn võ dân tộc khỏe khoắn, đầy tinh thần thượng võ…

Với tinh thần, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc, nét riêng biệt, độc đáo của từng lễ hội trên cơ sở “kế thừa và phát triển“, “gạn đục, khơi trong”, “để lễ ra lễ, hội ra hội” và bằng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành chức năng trong việc quan tâm, nghiên cứu, không ngừng nâng cao chất lượng, nội dung của lễ hội; tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội thì tin tưởng rằng, mùa lễ hội Xuân Xứ Lạng 2010 tiếp tục có được nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách, là điểm đến ý nghĩa và hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong mùa xuân này trên quê hương Xứ Lạng.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây