Theo
chương trình kế hoạch, Hội chợ Thương mại Lạng Sơn 2010 do Trung tâm Xúc tiến
thương mại (Sở Công thương) và Công ty Cổ phần Thương mại và Hội chợ triển lãm
VIASI phối hợp tổ chức.
Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra hội chợ, vẫn có rất nhiều
điều phải nói trong cách thức tổ chức, quản lý: trước khi Hội chợ diễn ra, công
tác tuyên truyền, quảng cáo cũng hầu như không có, chỉ có một số ít băng
rôn, khẩu hiệu chỉ được treo lên cách buổi khai mạc vài ngày.
Lý do đưa ra là
Hội chợ được tổ chức quá gấp, chờ một số doanh nghiệp của nước bạn Trung Quốc
tham gia và có ý định đổi tên hội chợ... Khi diễn ra lễ khai mạc, Ban tổ chức
không có cửa dành riêng cho các đại biểu, mặc dù có khá nhiều cửa ra vào.
Với
số lượng khách mời lên đến 500 người, tình hình ra vào cửa rất lộn xộn, nhất là
khu vực cổng chính. Nhiều khách được mời tham dự vẫn mất tiền gửi xe và vé vào
cổng. Ngay cả phóng viên Báo Lạng Sơn mặc dù đã có giấy mời, thẻ nhà báo nhưng
vẫn phải mua đủ các loại vé.
Những đồ ăn bày bán mà không được che
đậy, không có chứng nhận VSATTP.
Ngay cổng vào, một cậu bé cùng vài con
chuột bạch, vài con rùa cũng "tổ chức" bán hàng.
Vào
cổng Hội chợ, sự lộn xộn bày ra ngay trước mắt khách hàng. Ngay sát cổng, một
cậu bé gầy gò đen đúa ngồi bó gối bán...chuột bạch và vài chú rùa cảnh, vào sâu
chút nữa đủ các mặt hàng bày tràn lan ra cả lối đi: từ cây xương rồng cảnh đến
thắt lưng, ví da nhưng có hàng lại không thấy có người bán, cứ như là bày ra để
chiếm chỗ. Các gian hàng cũng không được quy hoạch, xắp xếp theo từng khu vực,
từng loại hàng mà xen kẽ, lẫn lộn. Gian hàng bán bia ngay cạnh gian đồ gỗ, quán
bán đồ ăn cạnh hàng tóc giả, áo phông đồ lót...Các loại nhạc được mở đinh tai
nhức óc, mặc dù đứng ngay cạnh nhau nhưng nếu muốn trao đổi vài câu cũng phải
gào toáng lên.
Nhiều hàng hóa bày ra giữa lối đi nhưng
không có người bán.
Chị
Nguyễn Thị Hiền, một du khách ở tỉnh Hải Dương cho biết: Nhân dịp lên Lạng Sơn
chị có rẽ vào hội chợ. Những tưởng được xem các chương trình văn hóa nghệ thuật
mang đậm bản sắc của Xứ Lạng nhưng chỉ thấy có vài ba chương trình ca nhạc trẻ
do những ca sỹ, nghệ sỹ, tên tuổi nghe lạ hoắc biểu diễn, chị cảm thấy rất thất
vọng.
Chị La Ngọc Huyền, nhà ở đường Minh Khai phường Hoàng Văn Thụ cho biết:
nghe quảng cáo có các chương trình văn nghệ của các ca sỹ nổi tiếng, chị dành
hẳn một buổi tối để cùng bạn đi xem dù vé vào cửa đắt hơn 3 lần ban ngày.
Tuy
nhiên, suốt cả buổi tối, chỉ có vài ba chương trình ca nhạc nhạt nhẽo, các ca
sỹ, nghệ sỹ trình bày rất dở. Theo chúng tôi được biết: trong kế hoạch tổ chức
hội chợ có ghi rõ: “hoạt động của hội chợ ngoài các hoạt động giao lưu xúc tiến
thương mại, trao đổi nghiệp vụ và các hoạt động về văn hóa nghệ thuật còn có
các hoạt động giới thiệu về phong tục tập quán, các đặc sản của dân tộc” nhưng
đi hội chợ mới biết: không có bất kỳ một hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng,
cũng như không có bất kỳ một hoạt động nào để giới thiệu về phong tục tập quán,
các đặc sản của các bà con dân tộc Xứ Lạng.
Chỉ với một chiếc bạt, vài dây treo đã
có thể bán được hàng.
Như
chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước, hầu như hội chợ nào cũng “vướng” phải
việc một số doanh nghiệp lợi dụng uy tín của hội chợ để bán hàng tồn, hàng kém
chất lượng. Đi dạo vòng quanh hội chợ, có rất nhiều mặt hàng, đa số là quần áo,
giày dép, túi xách không có ghi lô gô, nhãn hiệu hoặc xuất xứ của nơi sản xuất.
Có đến gần chục gian hàng ghi biển hạ giá, thậm chí đại hạ giá. Vợ chồng anh
Phương, chị Hiên nhà ở Đồng Đăng cho biết: nghe quảng cáo có những mặt hàng
chất lượng cao nên anh chị vượt hơn 30km cả đi lẫn về để mua sắm. Tuy nhiên,
với những chiếc áo nữ giá chỉ 15 nghìn đồng thì không biết mặc sẽ như thế nào?
Có gian hàng thì chỉ có một chiếc bạt trải xuống đất, trên có bày vài chục
chiếc túi nhìn đã thấy nhếch nhác, còn hàng thì “chất lượng cực thấp, giá
cực cao”.
Trong vai một người đi mua hàng, tôi cũng ghé vào gian hàng đó, khi
được hỏi nguồn gốc của những chiếc túi đang bán, người bán hàng chỉ nói là lấy
dưới Hà Nội lên, không có nguồn gốc xuất xứ, còn chất lượng thì chỉ trời mới biết.
Tuy nhiên, người bán hàng khẳng định da 100%, có giá từ 100- 200 nghìn đồng/
chiếc.
Chị Hiên khẳng định: những chiếc túi này được gia công bằng nhựa, không
phải bằng da, chỉ cần xem qua đã biết. Các gian hàng ẩm thực được khá nhiều
khách hàng ghé thăm. Tuy nhiên, các mặt hàng như ô mai, anh đào, nho khô, xúc
xích, cá khô ăn liền được các chủ hàng cho ra rổ, đổ ra chậu bày trên giá.
Người qua lại nhiều, lắm bụi nhưng không thấy có bất cứ vật nào che đậy, nhìn
đã thấy mất an toàn vệ sinh. Đó là còn chưa nói đến việc không có gian hàng nào
treo giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mà vẫn vô tư bán.
Rất nhiều hàng hạ giá, thậm chí áo nữ
cộc tay chỉ 15.000đ, liệu chất lượng có đảm bảo.
Hội
chợ được tổ chức tại Lạng Sơn lần này với mục đích nhằm đẩy mạnh các hoạt động
xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm quảng
bá thương hiệu của mình; tăng cường nguồn cung cấp hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị
hiếu tiêu dùng của nhân dân, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.
Vì vậy, nếu
như hạn chế được các tồn tại, thiếu sót trong đợt tổ chức hội chợ lần này sẽ là
tiền đề tốt để Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (nằm trong chương trình
Xúc tiến thương mại Quốc gia) sẽ được tổ chức tại Lạng Sơn vào tháng 10/2010.
Nguồn tin: báo Lạng Sơn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự