Cao Lộc - 10 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Tỉnh uỷ

Thứ tư - 31/03/2010 20:31
Rừng có ý nghĩa to lớn đối với đời sống của nhân dân, cung cấp nguồn lâm sản, phòng chống bão lũ thiên tai, tạo cảnh quan môi trường sinh thái…Ngoài ra, rừng còn đóng góp tích cực cho công tác quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 6/4/2000 của Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn giai đoạn 2000-2010, trong 10 năm qua, xác định đây là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nên công tác trồng rừng được các cấp, các ngành huyện Cao Lộc quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cao Lộc là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển trồng rừng với tổng diện tích tự nhiên: 64.156 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp: 34.219,68 ha, chiếm 53%. Tận dụng ưu thế này, 10 năm qua, huyện đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành các lực lượng, đơn vị quản lý dự án, cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác phát triển rừng, giao đất lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên doanh đầu tư trồng rừng với mục tiêu mở mang diện tích đất có rừng.

Từ nguồn vốn thuộc dự án trồng rừng, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân bổ chỉ tiêu đến các xã trọng điểm để tập trung triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển rừng, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh của địa phương.

 

Cung ứng giống cây lâm nghiệp cho nông dân xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.

Tính đến nay, tổng diện tích khoanh nuôi, tái sinh rừng của huyện đạt 11.544 ha. Khoán bảo vệ rừng: 43.396 ha. Chăm sóc rừng: 12.964,8 ha. Qua các đợt tuyên truyền, nhận thức về lợi ích nghề rừng của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, hầu hết các thôn bản đã thành lập được ban chỉ đạo sản xuất.

Trên cơ sở kết quả rà soát phân loại 3 loại rừng, các tổ chức, cá nhân đang tích cực đầu tư, khai thác diện tích đất lâm nghiệp. Phong trào trồng cây nhân dân, khoanh nuôi bảo vệ rừng phát triển mạnh.

Bước đầu đã hình thành một số vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ tập trung có sản phẩm hàng hoá ngày càng lớn, một số mặt hàng tham gia xuất khẩu có giá trị. Tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên qua các năm, từ 28% năm 2003 lên 50,92% năm 2008 và dự kiến đạt 52% vào cuối năm 2010. Ngoài góp phần xoá đói giảm nghèo, đã xuất hiện một số hộ gia đình làm giàu từ đồi rừng.

Công tác giao đất, giao rừng và trồng rừng mới cũng được huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Đến nay, đã giao được cho 18 xã, thị trấn, gồm 5.295 hộ với diện tích 44.203 ha. Tổng diện tích trồng rừng được 8.405,14 ha với tổng vốn đầu tư: 15.940,82 triệu đồng.

Trong đó, trồng rừng dự án 661 do Trung ương đầu tư: 2.078,4 ha, do địa phương đầu tư: 2.443,9 ha; trồng rừng Việt Đức: 399,45 ha; Dự án 5 triệu ha rừng trồng được: 2.927,39 ha rừng phân tán, 547ha rừng hỗ trợ sản xuất.

Tổng lượng sản phẩm khai thác trong 10 năm được: 7.600m3 gỗ tròn với doanh thu của các doanh nghiệp ước tính trên 7 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn có 10 cơ sở chế biến lâm sản, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ gỗ của nhân dân, sản phẩm chủ yếu là ván thông và gỗ tạp. Giá trị kinh tế từ các loại lâm sản ngoài gỗ đạt khá: sản phẩm hồi quả mỗi năm đạt trên 2.000 tấn; quả trẩu trên 67 tấn; quả sở trên 1.000 tấn…

Phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm tới, huyện Cao Lộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển kinh tế đồi rừng. Đưa nghề rừng thành nghề sản xuất chính của người nông dân.

Phấn đấu đến năm 2015, thu nhập chính của đa số hộ nông dân là từ kinh tế đồi rừng. Hình thành những khu rừng phòng hộ và rừng sản xuất có chất lượng. Nâng độ che phủ rừng lên 60%, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường sinh thái, phòng chống lụt bão, hạn hán ở từng địa phương trên địa bàn.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây