Đảm bảo vệ sinh ATTP trong nhà trường và cơ sở GD

Chủ nhật - 18/04/2010 05:46
Theo thống kê, toàn ngành GD có trên 70 trường và cơ sở giáo dục ( CSGD) có bếp ăn tập thể hoặc tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú. Ngoài ra còn hàng trăm trường và điểm trường có học sinh lưu trú tại trường theo hình thức “bán trú dân nuôi”. Vì vậy, công tác vệ sinh ATTP cần được chú trọng.

Nguy cơ từ nhiều phía

Một phụ huynh có con học tại một trường MN giãi bày với chúng tôi “ Cháu nó rất “khó tính” về chuyện ăn uống. Gửi con vào học, phải nộp tiền ăn cho cháu là chuyện đương nhiên; mức nộp phụ thuộc vào sự tính toán của nhà trường, tuy có cao một chút, song cũng dễ thông cảm trong thời buổi thực phẩm đắt đỏ.

Nhưng lo nhất vẫn là chuyện vệ sinh ATTP”. Có nhiều nguyên nhân gây mất an toàn VSTP. Thứ nhất là thực phẩm đã “ mất an toàn” ngay từ khâu “đầu vào”. Sức ép về giá cả và khẩu phần ăn khiến nhiều tiếp phẩm lựa chọn thực phẩm rẻ, hoặc được bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thứ hai là khâu bảo quản, chế biến và thứ ba là khâu vệ sinh trước khi ăn.

 

Quán cổng trường - nguy cơ lớn nhất về VSATTP.

Một số trường do CSVC còn thiếu thốn, đặc biệt là công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Rửa tay trước khi ăn đã đi vào bài học của trẻ thơ, song chuyện “học đi đôi với hành” quả là còn có khoảng cách.   

Một nguy cơ thường xuyên là từ phía phụ huynh học sinh và bản thân các cháu. Tuy rất “lo” con mình bị ngộ độc thức ăn, song các bậc cha mẹ vẫn điềm nhiên và vô tư ghé xe máy là các quán “ăn nhanh” tại cổng trường, chiều ý “thế hệ tương lai” bằng cách mua bánh mỳ kẹp thịt băm, kẹp giò chả, hoặc sà vào gánh bún bán rong vỉa hè cho tiện.

Tại các cơ sở bán trú dân nuôi, cán bộ phụ trách chỉ “quản” giờ giấc, chuyện học hành, còn ít quan tâm đến bữa ăn của học sinh. Đến trường chỉ có chút gạo, thực phẩm hoàn toàn tự túc, nên các em thường vào rừng lấy măng, nhặt nấm, hái rau rừng…Tuy gia đình đã “truyền” cho các em kinh nghiệm phân biệt nấm độc, lá độc, song tuổi học sinh vốn vô tư và hay quên. Nguy cơ ngộ độc do dùng thực phẩm tự nhiên luôn thường trực trong mỗi bữa ăn đạm bạc của các em.    

Để có bữa ăn tuyệt đối an toàn

Kinh nghiệm của đội ngũ tiếp phẩm trên địa bàn thành phố và một số thị trấn là lấy thực phẩm tươi, ngon tại một địa chỉ cung cấp ổn định. Tuy giá có hơi cao một chút, nhưng bù lại, do ít phải “lọc” thải, nên cũng rất “ dôi” trong chế biến. Quan trọng nhất vẫn là sự đảm bảo bằng uy tín của người cung cấp.

Đội ngũ chế biến tại một số trường MN và các trường phổ thông dân tộc Nội trú đã có kinh nghiệm, đã qua các lớp đào tạo hoặc ít nhất cũng được tập huấn về chuyên môn và được kiểm tra sức khỏe  thường xuyên. Bằng sự đầu tư của nhà nước và thực hiện XHH, các nhà trường đã xây dựng, mua sắm trang thiết bị CSVC như nhà bếp, nhà ăn, tủ bảo quản…

Theo quy định chung, tất cả các nhà trường đều thực hiện nghiêm túc quy trình chế biến bảo quản và lưu mẫu thức ăn. Trong khi khu vực chế biến và trong giờ ăn của học sinh, người ngoài không có nhiệm vụ không được vào. Đội ngũ giáo viên, ngoài việc được bồi dưỡng kiến thức và tập huấn thực hiện các chuyên đề trong chương trình đổi mới GD Mầm non, còn được bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh ATTP.

Tại các trường phổ thông Dân tộc Nội trú, trừ những thực phẩm “cơ bản” được mua ổn định của người cung cấp, các nhà trường đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nên có điều kiện cải thiện khẩu phần ăn cho học sinh theo hướng vừa rẻ, vừa an toàn. Hằng năm, Trường THPT Nội trú tỉnh chăn nuôi hàng chục tấn lợn hơi, cán bộ nhân viên và học sinh trồng hàng tấn rau xanh các loại… làm nên một nguồn thực phẩm tại chỗ phong phú.

Tuy vậy, bữa ăn của học sinh hầu hết phụ thuộc vào thị trường; không chỉ thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau xanh, mà các loại thực phẩm đóng chai, hộp cũng được sử dụng khá nhiều. Đề phòng nguy cơ ngộ độc, hoặc sử dụng thực phẩm không an toàn, các nhà trường đã cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến về sự an toàn của thị trường thực phẩm, nhất là các loại sữa, bánh kẹo, nước hoa quả.

Vì vậy, trong nhiều năm, các bếp ăn tập thể của ngành GD Lạng Sơn đảm bảo độ an toàn cao; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm có đông người mắc. Tuy vậy, câu chuyện về vệ sinh ATTP vẫn còn rất dài. Ngày 29/3/2010, Bộ GD đã có văn bản 1529 về công tác vệ sinh ATTP trong nhà trường.

Trong đó chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các nhà trường. Để thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Lạng Sơn sẽ phối hợp với Chi cục Vệ sinh ATTP tiến hành kiểm tra rà soát các cơ sở; đồng thời có những biện pháp thiết thực chấn chỉnh công tác phục vụ HSSV.

Nguồn tin: baolangson

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây