Bản Khuổi Tà, một trong những thôn xa nhất của xã Bắc
Xa, huyện Đình Lập, nằm nép mình bên khe suối, ở đây có 15 hộ gia đình thì có tới
14 hộ nghèo. Cứ mỗi trận mưa, đất đá lại sạt xuống đám ruộng khe ít ỏi, bà con
thắc mắc lắm. Cán bộ biên phòng giải thích: Bà con có biết tại sao không? Cây rừng
giữ nước, giữ đất đá trên đồi, bà con chặt cây đi không còn gì giữ đất, giữ nước,
nên cứ mỗi trận mưa, nước trên rừng lại trôi tuột xuống kéo theo đất đá. Như vậy
thì ruộng bị đá vùi lấp, còn nước thì chảy đi hết.
Bà con ồ lên, bộ đội biên
phòng nói thế thì phải rồi, nói thế ai nghe cũng hiểu, từ giờ bà con mình không
chặt cây bừa bãi nữa mà làm theo hướng dẫn thôi. Còn rất nhiều những thắc mắc nữa
của bà con như trồng cây lúa cứ bị chuột phá, con trâu, con ngựa chạy đi đâu
không biết…
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quyết, Chính trị viên phó Đồn biên phòng 33
chăm chú nghe rồi giải thích cặn kẽ, rất rõ ràng mà lại dễ hiểu, bà con nghe cứ
gật gù tán thưởng suốt. Sau một hồi nói chuyện, trời đã quá trưa, tạm biệt Khuổi
Tà, chúng tôi lại lên đường sang bản khác, tiếp tục nghe, giải thích rồi hướng
dẫn bà con cách làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt….
Nếu không tính bản mới đang thành lập, thì cả xã Bắc
Xa có 14 thôn bản. Bản nào cũng cách xa nhau hàng giờ đi xe máy, mà mỗi bản
cũng chỉ có trên chục nóc nhà, đông nhất như bản Bắc Xa cũng chỉ có 30 hộ. Thượng
tá Nguyễn Tấn Sỹ, Đồn trưởng Đồn biên phòng 33 ví von: Nếu so sánh về diện tích
thì Bắc Xa phải rộng bằng huyện Gia Lâm của Hà nội, nhưng về dân số thì chỉ xấp
xỉ so với một khối dân cư.
Chính vì khó khăn như vậy, nên công tác vận động quần
chúng được Đồn biên phòng 33 đặc biệt coi trọng. Cũng vì trình độ của nhân dân
chưa đồng đều nên các cán bộ làm công tác vận động quần chúng phải thực sự hiểu
dân, gần dân, lắng nghe và giải thích, hướng dẫn nhân dân một cách dễ hiểu nhất.
Đồn thường xuyên phối hợp và tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền,
vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước; vận động quần chúng nhân dân tham gia tự quản, bảo vệ đường biên
mốc giới; cùng với nhân dân làm đường, phát triển kinh tế…Gần dân, bám sát cơ sở,
các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 33 được nhân dân dành cho những tình cảm rất
đặc biệt, ai cũng biết và yêu quý các anh, kể cả những cán bộ, chiến sỹ mới đến
Đồn, dân cũng biết.
Cán bộ Đồn Biên phòng 33 làm công tác dân vận tại các thôn bản.
Nhân dân bản Bắc Xa, xã Bắc Xa (Đình Lập)
di dời chuồng trại cách ly khu dân cư.
Bác Hoàng Dỉ Phây, thôn Khuổi Tà, năm nay đã 82 tuổi,
mỗi lần nhắc đến các anh bác cảm động lắm: Nhờ có bộ đội biên phòng giúp sức,
giúp của, gia đình tôi mới xây được ngôi nhà kiên cố. Trước ở nhà sàn, mỗi lần
mưa gió còn sợ nhà sập, trẻ con đi lại phải trông chừng sợ lọt xuống sàn, giờ
có nhà mới, ấm cúng lắm, ngủ cũng ngon hơn, khỏe hẳn ra.
Thực hiện cuộc vận động
“Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, cho đến nay với hình thức hỗ
trợ 10 triệu đồng/nhà và góp công sức, Đồn biên phòng 33 đã làm được 6 ngôi nhà
đại đoàn kết cho nhân dân các thôn bản. Vừa qua Đồn cũng đã triển khai cho nhân
dân trồng 30ha rừng dự án 661, nhân dân ai cũng hồ hởi lắm.
Tin, yêu bộ đội,
nghe bộ đội vận động giờ đây bà con đã biết giữ rừng, không chặt phá, khai thác
bừa bãi, từ đầu năm 2001 đến nay cũng không có cháy rừng xảy ra. Cũng nghe bộ đội,
bà con cũng biết và tự giác thực hiện di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở.
Thượng tá Nguyễn Tấn Sỹ, kể câu chuyện: Trước kia có hộ nhận nhà đại đoàn kết xong
lại ngăn đôi ra, người và gia súc cùng ở, mất vệ sinh lắm.
Nhưng vận động rồi
bà con cũng nghe, một người làm, rồi nhiều người làm theo, các bản sạch sẽ hẳn
lên. Chuyện thả rông trâu bò giờ cũng ít lắm, giờ ai cũng biết đó là tài sản lớn
cần phải chăn nuôi cẩn thận. Anh Hoàng Văn Triệu, thôn Khuổi Tà có con la vừa mới
chạy đi kiếm ăn, đã tìm rối rít: Trước đây mất trộm gia súc nhiều, bộ đội biên
phòng đã bắt được mấy thằng trộm, nhưng con trâu, con bò không lấy lại được, bộ
đội nói phải, mình không dám thả rông nữa.
Theo thống kê của Đồn biên phòng 33,
trong quý I/2010, chưa xảy ra trường hợp mất trộm gia súc nào, không có trường
hợp nhân dân qua biên giới làm thuê, không có ma túy; tình hình an ninh, trật tự
được giữ vững.
Đồn trưởng Nguyễn Tấn Sỹ vẫn trăn trở: Di dời chuồng trại đã và đang làm rồi, nhưng còn nhà vệ sinh thì còn khó đấy, ở đây hầu hết không nhà nào là có công trình vệ sinh, vừa qua có vận động bà con nào làm nhà vệ sinh đúng quy cách thì hỗ trợ 1 triệu đồng, nhưng cũng còn ít người làm quá…
Đêm Bắc Xa lạnh buốt, Đồn trưởng vẫn mải suy tư đến những việc nhỏ nhất của
dân, với những kế hoạch nâng cao đời sống cho những người dân vùng khó. Sắp đến
giờ đi ngủ theo quy định của Đồn, anh cán bộ trinh sát nằm cạnh giường với tôi với
tay lấy chiếc điện thoại không dây, có lẽ anh nhắn tin cho người thân.
Bên
ngoài, cột phát sóng Viettel nháy đỏ, truyền những lời nhắn yêu thương của các
anh đến những người thân yêu, để họ yên tâm và tự hào về các anh. Ngày mai, những
bàn chân lặng lẽ lại in dấu trên khắp các bản làng vì sự bình yên của tổ quốc,
vì sự phát triển của vùng biên.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự