Trong
điều kiện khí hậu thời tiết như hiện nay, nhiệt độ 15-30oC, độ ẩm 80-90%, dự
báo trung tuần tháng 3, sâu non thế hệ 1 sẽ ra rộ, phát sinh phát triển và gây
hại trên diện rộng. Vì vậy, nơi có mật độ sâu non cao cần được phun thuốc phòng
trừ ngay. Trước thực tế trên, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các ban, ngành chức
năng, các huyện, thành phố đang nỗ lực, quyết liệt phòng trừ sâu róm hại thông.
Ông
Hoàng Văn Đảy, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: ngay từ
những tháng cuối năm 2009 đến nay, đơn vị thường xuyên kiểm tra tình hình
sâu róm hại thông tại các địa phương. Hiện nay, sâu róm thông thế hệ 1/2010 đã
xuất hiện ở hầu hết các cánh rừng thông của tỉnh.
Có nơi sâu đã bắt đầu gây hại
nặng như: Đình Lập, Lộc Bình, Chi Lăng. Khác với năm ngoái, 80% sâu róm thông
gây hại là loại 4 túm lông thì năm nay chủ yếu lại là sâu Đenđrô có kích thước
lớn, từ 6-7cm, to, dài gấp 2,5 lần so với loại sâu róm thông năm ngoái. Vì vậy,
mức độ tàn phá của sâu Đen đrô đối với rừng thông là rất lớn.
Tính đến thời điểm
này, toàn tỉnh đã có trên 1.500 ha rừng thông bị nhiễm dịch sâu róm thông. Điều
đáng lo ngại là: năm 2009, khá nhiều rừng thông bị sâu róm tàn phá héo úa cộng
với thời tiết khô hanh kéo dài đến nay vẫn chưa thể phục hồi, nếu tiếp tục bị
sâu róm thông tàn phá có khả năng cây thông sẽ chết, thiệt hại là rất lớn.
Chi cục BVTV tỉnh kiểm tra tình hình sâu
róm hại thông
Trước
thực tế trên, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt đối với công tác phòng trừ
sâu róm thông thế hệ 1/2010. Cấp kinh phí mua thuốc dập dịch. Các ban, ngành
chức năng đã kiểm tra thường xuyên, xây dựng phương án dập dịch cụ thể. Chủ
động mua 3,6 tấn thuốc, 18 tấn chất phụ gia cấp phát cho các địa phương.
Đồng thời,
yêu cầu Ban chỉ đạo phòng trừ sâu róm thông các huyện, thành phố triển khai chỉ
đạo thực hiện tốt việc phòng chống dịch. Trạm BVTV các huyện, thành phố tăng
cường điều tra, phát hiện, theo dõi chặt chẽ diễn biến các pha phát dục của sâu
non qua đông, nhất là mật độ nhộng để thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo.
Chuẩn bị địa bàn tiếp nhận thuốc, thành lập các tổ, đội phun thuốc phòng trừ
hiệu quả. Để động viên, khích lệ các tổ, đội làm nhiệm vụ, các địa phương cần
có phương án hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng trừ như: xăng xe, xăng chạy máy
nổ, bồi dưỡng độc hại…
Nhận
thức rõ được tác hại của sâu róm thông gây ra, hiện nay các huyện, thành phố
đều đang rất chủ động, quyết liệt trong công tác dập dịch. Khuyến cáo chủ rừng
sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu róm thông trên diện tích rừng đã nhiễm, đặc
biệt áp dụng biện pháp thủ công bắt giết sâu non, thu nhặt tiêu diệt nhộng và
bẫy đèn bắt con trưởng thành cho hiệu quả phòng trừ cao. Tích cực, chủ động
phun trừ ngay sâu róm thông thế hệ 1 nhằm ngăn chặn ngay từ đầu khả năng bùng
phát dịch ở các thế hệ sau.
Sâu róm thông thế hệ 1/2010 đã bắt đầu
gây hại tại nhiều địa phương
Tuy
nhiên, có một thực tế là: một trong những yếu tố dẫn đến công tác dập dịch sâu
róm thông đạt hiệu quả thấp tại nhiều địa phương trong năm 2009 vừa qua là ý
thức của người dân chưa cao, nhiều chủ rừng rất thờ ơ với dịch, thờ ơ trước
nguy cơ bị thiệt hại về tài sản của chính gia đình mình và của cả cộng đồng.
Vì
vậy, hơn lúc nào hết, cùng với việc chủ động chuẩn bị từ sớm các điều kiện để
phòng trừ sâu róm hại thông thì các huyện, thành phố cần làm tốt công tác tuyên
truyền để người dân hiểu, từ đó đồng tình ủng hộ, cùng vào cuộc, quyết liệt dập
dịch. Nếu không nhiều diện tích rừng hiện đang khô héo do dịch sâu róm thông
năm ngoái phá hoại chưa kịp phục hồi rất có khả năng sẽ bị xoá sổ và nhiều cánh
rừng khác lại đứng trước nguy cơ héo úa, không phát triển được vì dịch.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự