Cùng với việc ban hành văn bản quy định một số biện pháp THTK,CLP là chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh THTK,CLP trong quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Sau 5 năm thực hiện đã thu được những kết quả tích cực.
Cán bộ ngành tài nguyên & môi trường tuyên truyền, phổ biến luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.
Để thực hiện hiệu quả Luật THTK, CLP, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức về ý thức THTK,CLP trong khi thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa THTK,CLP phí với đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là tư tưởng đạo đức của Người về vấn đề này.
Nhờ vậy, nhận thức về THTK,CLP của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cùng nhân dân đã được nâng lên. Các đơn vị, các cấp, các ngành, ngay từ đầu năm đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, bố trí nhiệm vụ phù hợp với nguồn kinh phí được giao, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, tiếp tục xây dựng chương trình, điều chỉnh bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ là cơ sở thực hiện kế hoạch ngân sách năm.
Ở các đơn vị hoạt động kinh doanh có nguồn thu thì xây dựng quy định về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư dùng cho sản xuất kinh doanh. Thông qua quá trình tổng hợp quyết toán, nhìn chung, các đơn vị đã chấp hành nghiêm theo quy định của Nhà nước.
Việc thực hiện mua sắm tài sản đã được thực hiện theo tiêu chuẩn định mức quy định và căn cứ vào nguồn kinh phí của đơn vị nên mỗi năm tiết kiệm được khoảng 7 – 10% so với dự toán của đơn vị xây dựng mua sắm. Riêng tại các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính đều hoàn thành nhiệm vụ quản lý chặt chẽ tài sản tiền vốn, sử dụng lao động hợp lý, tăng thu bổ sung thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chuyên môn và tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ “về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.
Cụ thể đó là tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện làm việc đắt tiền, đồng thời giảm trừ dự toán chi ngân sách tiết kiệm được dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, cứu trợ xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Tại các đơn vị, các cấp, các ngành, việc quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên, quản lý tài sản công bảo đảm công khai, dân chủ, tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước; chi tiêu tiếp khách đúng định mức, tiết kiệm…
Càng ngày, việc tăng vai trò và quyền hạn của HĐND các cấp trong quyết định phân bổ dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách càng phát huy được vai trò giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tại địa phương và các tầng lớp nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách.
Việc đẩy mạnh thực hiện chế độ tự chủ tài chính cũng đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quan tâm sâu hơn đến việc quản lý, sử dụng kinh phí trong các đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo công khai, minh bạch hơn so với trước.
Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác lập kế hoạch phát triển KT - XH, đảm bảo sát với tình hình thực tế địa phương, tránh việc triển khai các dự án chồng chéo, kém hiệu quả.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch các nguồn vốn đúng thời gian quy định, công tác bố trí vốn được thực hiện theo hướng dẫn cơ cấu vốn của Trung ương, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác trên địa bàn, đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất.
Gắn với đó là tăng cường quản lý đầu tư theo hướng phân cấp mạnh trong công tác phê duyệt dự án cho các huyện, thành phố, nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch vẫn chưa rà soát được hết các điều kiện có triển vọng, chưa đánh giá toàn diện và nắm bắt được nhu cầu thị trường nên còn xảy ra tình trạng bổ sung quy hoạch chắp vá, không tập trung. Một số dự án chậm tiến độ hoặc không có hiệu quả kinh tế gây lãng phí, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và gây dư luận xấu trong nhân dân.
Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện Luật THTK,CLP đã thu được những kết quả tích cực. Thành công ban đầu chính là điều kiện để tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản, các ưu thế một cách có hiệu quả trong phát triển KT- XH, góp phần tích cực vào phòng, chống tham nhũng tại địa phương.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự