Dưa hấu bầy bán ngay sát mặt đường ở khu vực cửa Khẩu Tân Thanh - Ảnh:Trí Dũng
Cách đây vài năm, khi triệt phá một sòng bạc, cơ quan điều tra đã phát hiện trong quân bài có chứa phóng xạ. Các đối tượng biến con bài chứa phóng xạ thành công cụ lừa đảo trong chiếu bạc. Khi truy tìm tận gốc con bài, hóa ra nó được nhập khẩu qua đường Tân Thanh và tồn lưu ở đó khá lâu. Cũng may mức độ phát xạ yếu, chưa gây nguy hại cho sức khỏe con người, nhưng giải quyết vấn đề nguy hại là cả một chuyện lớn, đó là vệ sinh môi trường ở cửa khẩu.
Đã có lần theo đoàn công tác của Ban chỉ đạo 127 tỉnh đi kiểm tra chống buôn lậu tại biên giới, chúng tôi theo đường cánh gà cửa khẩu, qua Gốc Bưởi, Gốc Nhãn lên dốc Đầu Lâu. Toàn bộ đoạn đường dài hơn 300 mét, qua các địa danh, điểm dừng của hàng hóa, cư dân biên giới qua lại tràn ngập rác thải, những chiếc túi ni lông xanh đỏ, thùng các tông, túi đựng hàng bị gió quẩn vun thành từng đống. Số rác thải đó đã được lưu cữu từ nhiều năm nay nên ngày một lớn lên mà không có ai thu dọn. Qua trao đổi chúng tôi được biết, đối tượng xả rác chủ yếu là người gánh hàng và cư dân biên giới đi lại.
Khi vác hàng cứ tiện đâu là họ kiểm tra, sang hàng ở đó. Sang hàng xong số rác thải không ai thu dọn. Ở khu vực cửa khẩu chỉ có 2 lực lượng làm nhiệm vụ là hải quan và bộ đội biên phòng, còn các cơ quan khác ra vào biên giới rất khó khăn, công nhân thu gom rác chủ yếu thu gom ở khu vực gần đường, nơi quy định cách khá xa cửa khẩu. Thế là cả một khu vực trống không có người thu gom rác, các khu vực này gần như không ai quản về vệ sinh môi trường.
Một số người dân lợi dụng vùng giáp ranh xả rác bừa bãi làm cho môi trường khu vực cửa khẩu ngày càng xấu đi. Khá hơn một chút là khu vực cánh gà Cốc Nam, cửa khẩu Tân Thanh, phía các trục đường chính khá hào nhoáng, được vệ sinh sạch sẽ; thế nhưng chỉ đi vài bước vào các đường nhánh, khu vực bãi đất trống, bãi quặng thì vấn đề vệ sinh môi trường lại bị biến thành một bức tranh lem nhem.
Vẫn những túi ni
lông, hộp xốp, giẻ chèn hàng, rác thải sinh hoạt được tự do tung hoành, đó là
chưa kể ở các chợ, tình hình vệ sinh môi trường cũng nhếch nhác không kém gì
các bãi thải nơi cửa khẩu. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu vực cửa khẩu
cũng có đội thu gom rác thuộc các hợp tác xã vệ sinh môi trường.
Thế nhưng lực lượng
quá mỏng, cửa khẩu lại rộng, quy chế hoạt động ở cửa khẩu còn thiếu chặt chẽ
dẫn đến việc thu gom rác chưa thường xuyên liên tục. Cửa khẩu Chi Ma đang trong
quá trình xây dựng, rác thải cứng, rác thải sinh hoạt, rác thải theo con đường
nhập khẩu tràn vào lớn, nhưng toàn cửa khẩu chỉ có 1 công nhân thu gom rác của
Hợp tác xã Tiến Đạt, nên có tích cực đến mấy cũng khó làm cho cửa khẩu xanh,
sạch, đẹp.
Rác thải tại cánh gà cửa khẩu Cốc Nam
Trở lại cửa khẩu Cốc Nam, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại biên giới, các khu vực đường mòn, đường tắt trở thành nơi xả rác, thế nhưng khắp các khu vực cách gà cửa khẩu, các đường mòn, bãi hàng…tuyệt nhiên không có một thùng rác nào. Vấn đề vệ sinh môi trường ở cửa khẩu đặt ra nhiều việc phức tạp...
Cho tới thời điểm hiện nay chưa có một cơ quan nào quan tâm khảo sát, và cứ như vậy năm này qua năm khác vấn đề vệ sinh môi trường biên giới càng xuống cấp. Cửa khẩu, cánh gà cửa khẩu là nơi tập trung đông cư dân biên giới, hàng trăm cán bộ hằng ngày làm việc tại đây, đáng quan tâm hơn là nơi xuất nhập cảnh của du khách, chẳng nhẽ cứ để các cửa khẩu mất vệ sinh môi trường như vậy mãi.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự