Vai trò của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường ở Lạng Sơn

Thứ ba - 07/06/2011 03:21
Ô nhiễm môi trường là vấn đề thách thức lớn nhất đối với toàn cầu, mỗi quốc gia và khu vực trong thế kỷ 21, đặc biệt ở những nơi đông dân cư như thành phố, thị trấn, thị tứ thì môi trường là mối quan tâm hàng đầu. Việc cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng, qua đó đảm bảo cam kết giữ gìn môi trường sống một cách bền vững.

Thực tế cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã được Đảng, Nhà nước cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Ngày 15/11/2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41- NQ/TW về BVMT trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm: “BVMT là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông ta”.

 

ĐVTN tham gia trồng rừng tại huyện Văn Lãng - Ảnh: Thanh Hòa

Theo đó, mục đích của cộng đồng tham gia BVMT là nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội thực hiện các hoạt động BVMT từ việc ra các quyết định, chính sách tới những hoạt động cụ thể nhằm giữ môi trường trong sạch, ngăn chặn và khắc phục hậu quả xấu do con người và thiên tai gây ra cho môi trường.

Cộng đồng tham gia BVMT đã làm cho mọi công dân sống đều thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong giữ gìn, bảo vệ môi trường. Từ đó tạo nên những chuyển biến trong thói quen, nếp sống theo hướng thân thiện hơn với môi trường, góp phần phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp. Ở tỉnh ta, cộng đồng dân cư đều nằm trong tổ chức là Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội như: Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên ...

Mọi thông tin, các cuộc vận động, các hoạt động của cộng đồng thông qua sự vận động của tổ chức này thì mới có kết quả, đặc biệt là các hoạt động về BVMT. Trong những năm qua, các tổ chức đoàn thể đều đã và đang tích cực tham gia BVMT, thông qua các hoạt động tuyên truyền các nội dung liên quan đến môi trường tới 100% hội viên; trung bình mỗi năm mở trên 10 lớp tập huấn về công tác môi trường đến các chi hội trưởng hội nông dân, phụ nữ, bí thư đoàn xã trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, điển hình là hội phụ nữ đi đầu trong sự nghiệp BVMT của tỉnh. Hội có các hoạt động mang tính chủ động, sáng tạo đã bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nhận thức và từng bước làm chuyển biến về hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ tự giác tham gia BVMT với rất nhiều phong trào và mô hình nổi bật. Cụ thể là phong trào “5 không, 3 sạch”, “phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm”...

Qua đó, đã thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ và thu được những kết quả thiết thực. Song song với đó, thời gian qua, các cấp hội vận động nông dân luôn tích cực tham gia các hoạt động BVMT, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các lớp truyền thông về vệ sinh môi trường, Luật BVMT, quản lý môi trường nông thôn, sử dụng nguồn nước sạch cho cán bộ, hội viên nông dân.

Các cơ sở hội duy trì, phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng ”. Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tạo vốn giúp nông dân xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt, nhà vệ sinh đảm bảo quy trình.

Tiếp tục nâng cao vai trò cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Để tiếp tục nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia BVMT, trước hết chúng ta đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường, cung cấp kiến thức về pháp luật bảo vệ môi trường, hiểu biết về môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở các địa phương, tác động của ô nhiễm môi trường tới sức khoẻ con người, từ đó thức tỉnh ý thức trách nhiệm giữ gìn và BVMT từ trong mỗi người dân.

 Cùng với đó là tăng cường năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ thêm nguồn lực từ bên ngoài như: vốn, kiến thức về pháp luật và năng lực thực hiện...để các hoạt động được triển khai thực hiện có hiệu quả.

 Ngoài ra, cần tổ chức các đợt tham quan học tập để trao đổi, học tập kinh nghiệm với các cộng đồng ở xã, phường khác, nếu có điều kiện cần gửi các đại diện đi tham quan học tập các mô hình cộng đồng tham gia BVMT ở trong và ngoài nước.

Tăng cường thể chế và cơ chế chính sách cấp cộng đồng: Nhà nước đã có những văn bản pháp lý công nhận quyền của cộng đồng tham gia công việc chung như Nghị định 80/NĐ-CP của chính phủ về Quy định giám sát đầu tư của cộng đồng. Cơ sở cần tiếp tục xác định mô hình cộng đồng chuẩn và các cơ chế chính sách liên quan để hoàn thiện, trong đó ưu tiên giao thêm quyền cho cộng đồng, khuyến khích vật chất và đảm bảo lợi ích cho người dân trong các khu dân cư.


Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan rừng nghiến nguyên sinh

Như vậy, một lần nữa khẳng định vai trò của cộng đồng rất quan trọng, không có thể thay thế được trong sự nghiệp BVMT và phát triển bền vững. Lạng Sơn đã phát huy vai trò cộng đồng trong BVMT và đã đạt được nhiều kết quả.

Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình cộng đồng môi trường và phát triển bền vững ngày càng phát triển và hoàn thiện, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Thời gian tiếp theo cần phát huy ưu điểm và thế mạnh để làm cho môi trường Lạng Sơn mãi mãi trong lành, góp phần phát triển bền vững vùng địa đầu của tổ quốc.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây