Nỗ lực vì hộ nghèo trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã phát huy vai trò tham mưu, triển khai thực hiện tốt chương trình vốn hộ nghèo trên địa bàn, giúp hộ nghèo có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.
Ngân hàng CSXH huyện Chi Lăng giao dịch tại xã Bắc Thủy (Chi Lăng)
Thực hiện chương trình vốn này, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã chú trọng công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể.
Từ đó, Ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vốn, tập huấn, củng cố các tổ vay vốn..., đồng thời, thường xuyên bám nắm danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, tình hình sử dụng vốn của hộ nghèo để chủ động điều chỉnh nguồn vốn giữa các địa phương và xây dựng phương án xin cấp bổ sung nguồn vốn hàng năm.
Cũng từ đó, ban giảm nghèo, các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia tích cực vào quá trình bình xét công khai, dân chủ đối tượng vay, giải ngân và theo dõi sử dụng vốn, thu hồi vốn để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế.
Đối với nghiệp vụ tín dụng, cán bộ Ngân hàng hướng dẫn làm hồ sơ, tiếp nhận và xem xét, giải ngân kịp thời các hồ sơ xin vay vốn. Hiện, toàn tỉnh có 222 điểm giao dịch cấp xã, cán bộ tín dụng luôn chấp hành đúng giờ giấc, thời gian giao dịch đã quy định, tạo nhiều thuận lợi cho người dân đi lại, nhất là đối với người dân ở các thôn, xã vùng sâu, vùng xa. Để không ngừng nâng cao hiệu quả nguồn vốn, ngay sau mỗi buổi giao dịch tại xã, cán bộ ngân hàng và ban giảm nghèo của các xã, thị trấn còn nghiêm túc họp đánh giá tình hình sử dụng vốn, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác cho vay, sử dụng, thu hồi vốn...
Ông Chu Văn Hành, Chủ tịch UBND xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng cho biết: Tham gia họp sau buổi giao dịch hàng tháng sẽ giúp địa phương nắm được tình hình sử dụng vốn của người dân, cùng với ngân hàng đưa ra những biện pháp phù hợp nhất để giải quyết những trường hợp nợ chây ỳ, hộ sử dụng vốn chưa có hiệu quả...
Chính vì vậy, ngay sau các buổi giao dịch, Ban xóa đói giảm nghèo của xã lại có biện pháp để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Trong đó, tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn về điều kiện sản xuất, nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn, đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền về ứng dụng khoa học kĩ thuật, giống mới, năng động với các loại cây trồng và phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay. Hiện, tổng dư nợ toàn xã hơn 6,9 tỷ đồng được sử dụng có hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,2%.
Với sự nỗ lực trong thực hiện công tác phối hợp, tuyên truyền... và giải ngân, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách đã đưa nguồn vốn hộ nghèo đến tận tay người nghèo ở khắp các thôn, bản, khối phố.
Ông Trần Việt Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Hàng năm, Ngân hàng không chỉ chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân nguồn vốn, mà còn thường xuyên bám nắm tình hình sử dụng vốn ở mỗi địa phương để tham mưu, xây dựng phương án xin cấp bổ sung nguồn vốn. Và nguồn vốn để hộ nghèo sản xuất không ngừng tăng lên theo từng năm, như năm 2012 tăng 90 tỷ đồng, hiện dư nợ hộ nghèo đạt 718,7 tỷ đồng.
Có vốn, các hộ nghèo tăng cường đầu tư các phương tiện như: máy cày, máy bơm, máy xay xát... phục vụ sản xuất, làm nên nhiều mô hình chăn nuôi, trồng rừng. Qua 10 năm đồng hành cùng hộ nghèo, nguồn vốn đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, góp phần đổi mới ở nhiều thôn quê trong toàn tỉnh. Để thực hiện kế hoạch tổng dư nợ cuối năm 2012 đạt trên 722 tỷ đồng, Ngân hàng đang tăng tốc trong công tác thu các khoản nợ đến hạn, tiếp tục giải ngân mới đối với các hộ nghèo xin vay vốn.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự