Đồng thời, hướng dẫn, giải ngân cho vay kịp thời nguồn vốn đối với các hộ vay vốn. Sau 5 năm Quyết định được triển khai, thực hiện, con em các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên toàn địa bàn tỉnh đã có điều kiện theo học các trường đại học, cao đẳng, học nghề...
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn tại thị trấn Lộc Bình
Đến nay, đã có hàng nghìn em tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định và tự trả nợ bằng những đồng lương ban đầu của các em. Chính sách vốn cho vay học sinh, sinh viên ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm phát triển, nâng cao trình độ, năng lực của nguồn nhân lực, chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, trong 5 năm thực hiện, chương trình vốn được điều chỉnh mức cho vay thường xuyên từ mức vay 800 ngàn đồng/tháng, đến nay mỗi em được vay mức tối đa 1 triệu đồng/tháng. Hàng năm, nguồn vốn được bổ sung lớn, cho vay với phương châm không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ dở việc học vì thiếu tiền, như năm 2012, tỉnh được cấp bổ sung nguồn vốn cho học sinh, sinh viên vay là 32 tỷ đồng...
Để người dân nắm được những quy định mới về chính sách vốn, trong quá trình thực hiện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, bám sát hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giải ngân có hiệu quả cao.
Theo đó, công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm hàng đầu. Chi nhánh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn thông qua các cuộc họp thôn, bản, khối phố, thông qua sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể và trực tiếp phổ biến, hướng dẫn về nội dung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, thủ tục vay tại các buổi giao dịch ở 222 điểm giao dịch xã.
Thông qua phương thức từ cho các em nhận tiền vay trực tiếp chuyển sang vay thông qua tổ chức hội, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương tham gia vào giám sát, bình xét dân chủ công khai đối tượng vay vốn, quản lý nguồn vốn, Ngân hàng đã nâng cao hiệu quả chương trình vốn, đảm bảo mục đích, đối tượng sử dụng vốn.
Chi nhánh còn phối hợp với các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương, nhất là các trường học để nắm danh sách học sinh, sinh viên mới nhập học, học sinh, sinh viên sắp ra trường để sẵn sàng đáp ứng vốn vay, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay, đôn đốc thu nợ kịp thời.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, sự tham gia, ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, trong 5 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã đưa nguồn vốn đến các hộ vay kịp thời. Doanh số cho vay hàng năm tăng hàng chục tỷ đồng (năm học 2007-2008, doanh số cho vay 22,36 tỷ đồng, năm học 2011-2012 là 50,34 tỷ đồng) đã thực sự giúp các bậc phụ huynh cùng con em mình vượt qua khó khăn, thiếu thốn.
Tính đến nay, tổng
dư nợ của chương trình trong toàn tỉnh đạt 194,7 tỷ đồng, với 13.753 học sinh,
sinh viên đang hưởng thụ nguồn vốn. Trong đó, học đại học có 4.694 em vay
75,225 tỷ đồng; học cao đẳng có 5.305 em vay 76,830 tỷ đồng; học trung cấp
3.231 em vay 36,112 tỷ đồng; học nghề 523 em vay 6,505 tỷ đồng. Ông Đào Anh
Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Nguồn vốn đã thực sự
tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên trang trải việc học như mua sách,
vở, học phí…, từ đó giúp các em, nhất là con em hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số
có cơ hội học tập và vươn lên. Hơn thế, nguồn vốn chính là động lực thôi thúc
sự phấn đấu vươn lên của các em trong học tập, góp phần xây dựng phong trào
hiếu học ở nhiều địa phương.
Hiện, hàng nghìn em nhờ nguồn vốn ưu đãi đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp, trường nghề. Trong đó, có nhiều em đã có việc làm và chấp hành trả nợ đúng kỳ hạn, doanh số thu nợ 9 tháng đầu năm 2012 được 35,9 tỷ đồng. Có thể nói, chương trình vốn đã tiếp sức để các em hướng tới một tương lai tươi sáng, tạo cho tỉnh một nguồn nhân lực có trình độ, có kiến thức, cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự