Hát then, đàn tính một loại hình nghệ thuật đặc sắc

Thứ tư - 07/11/2012 02:42
Từ bao đời nay, ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Đông bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên...đều có những nghệ sĩ dân gian mang cây đàn giản dị, nhẹ nhàng đi khắp bản trên, xóm dưới hát cho mọi người thuộc mọi sắc tộc cùng nghe.

Tiếng đàn ngân nga, dìu dặt đưa tâm hồn cả người già, người trẻ; cả con gái, con trai vào trạng thái bồng bềnh, chơi vơi, mơ màng, huyền ảo...Ấy là tiếng đàn tính, cùng với lời hát then, đã hát lên thì không mắt nào nhắm nổi, không tai nào có thể làm ngơ.


Hát then tại hội xuân Xứ Lạng - Ảnh: Việt Thịnh

Cố nhà thơ Nông Quốc Chấn, cách đây gần nửa thế kỷ có bài thơ: “Chiếc đàn tính và tiếng hát người nghệ sĩ mù”, (bài thơ tặng nghệ sĩ mù Linh Văn Noọng, quê ở Văn Quan) đã từng thốt lên:

“Dây vải hay dây tơ!

Tiếng đàn tính lọt vào tai vào ruột

Tiếng vang lên ngọn cây, đỉnh núi cao cao vút.

Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con

Chim trong tổ bay ra ngơ ngác bồn chồn,

Ve đậu trên cành hoa im tiếng.

Trai gái đi, hát cười vang bỗng đứng

Bảo nhau nghe im lặng, bảo nhau nghe

Có bùa chăng! Dây tính hỡi si mê

Mười hai vía trong người tôi tỉnh dậy...”

Nhưng kỳ lạ thay, cây đàn tính đã từng làm rung động cõi lòng ấy có cẩu tạo rất đơn giản, mộc mạc. Thân đàn là một đoạn gỗ dâu, đẽo gọt sơ sài, hộp đàn là một quả bầu khô, rỗng, dây đàn là những sợi tơ tằm bện lại, mỏng manh nhưng bền chặt. Người ta gọi đàn tính là đàn then. Then là từ biến âm của chữ Thiên (tức Trời). Đàn then là đàn trời cho!. Các bà bụt (người chuyên sử dụng đàn then vào việc cúng lễ) loan truyền: Trong một giấc mơ vàng, họ được Thánh ban cho cây đàn Trời và dạy cho các bài hát then. Do đó hát then, đàn tính (HTĐT) mới có sức lôi cuốn kỳ lạ đến như vậy. Sự thật cây đàn tính đã có trong dân gian từ lâu đời và là loại nhạc cụ quen thuộc với hầu hết các gia đình ở vùng biên cương của Tổ quốc.

Theo truyền thuyết, hát then có từ cuối thế kỷ 16, khi vua Mạc Kính Cung, thất thủ lên chiếm cứ Lạng Sơn, Cao Bằng, để chống nhà Lê, quân sĩ phần vì nhớ nhà, phần vì lạ nước, lạ non nên sinh bệnh ốm rất nhiều. Nhà vua liền sai Bế Văn Phùng và Quỳnh Vân, sáng tác một làn điệu để giải khuây. Không ngờ khi nghe điệu hát này, quân sĩ khỏi bệnh quá nửa.

Từ đó vua Mạc truyền cho phổ biến rộng rãi điệu hát này trong dân chúng. Cây đàn tính sở dĩ được quần chúng ưa chuộng, bởi âm thanh, làn điệu của nó hết sức phong phú. Khi réo rắt, khi du dương, khi thì nhịp nhàng thanh thản, khi rộn rã vui tươi, khi thầm thì như tiếng suối gọi, khắc khoải như những nỗi ngóng chờ...Thật đúng như một câu ca dao của dân tộc Tày từng ví:” Ké quả tàng nghìn tiếng lượn then; Mừa lườn táng piến piền báo ón...” . Tạm dịch: “Già qua đường nghe tiếng lượn then; Về nhà như biến thành trai trẻ...”.

Lời then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt rũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, như lời ăn tiếng nói hàng ngày; vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm quý báu về đối nhân xử thế...Cho nên nghe tiếng đàn tính, nghe tiếng hát then của nàng then, người ta cứ thấy trong đó có một cuộc sống của mình. Mặt khác nếu sli, lượn là làn điệu dân ca giao duyên chỉ có lời, thì then là hình thức tổng hợp: có lời, có nhạc, có hoá và có biểu diễn.

Then được hát vào những dịp trọng đại của làng xã như: hội làng, lễ hội Lồng tồng, cầu mùa...Trong từng gia đình HTĐT có mặt trong tất cả các ngày vui như: ngày cưới, mừng thượng thọ, mừng nhà mới, cầu an..,; trong cả những lúc buồn, an ủi người ốm, động viên người phiền muộn. Trong không khí thiêng liêng lời ca, điệu múa và âm nhạc hoà quyện rộn ràng say đắm, đưa đến cho người nghe, người xem những thẩm mỹ cao độ.

Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn một loại hình dân ca đặc sắc trong những năm qua, phong trào văn hoá, văn nghệ ở tỉnh ta có nhiều khởi sắc. Tại nhiều địa phương từ các thôn bản, xã, phường, thị trấn, thậm chí ngay cả đến các trường phổ thông đều thành lập có các tổ, đội văn hoá văn nghệ, câu lạc bộ HTĐT, câu lạc bộ dân ca của bà con các dân tộc. Nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên ở mọi vùng quê đã đem cây đàn tính, lời then đến với các ngày lễ hội, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn nghệ, đem lại nhiều giải thưởng cao.

Tiếng hát ấy, điệu then ấy mãi mãi là tâm hồn người Xứ Lạng vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Đánh giá về HTĐT, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Văn Páo, khẳng định: HTĐT là một dạng văn hoá đặc sắc, có từ rất lâu đời. Nó là hơi thở, là lẽ sống và là món ăn tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái... HTĐT lúc đầu ra đời chỉ phục vụ đời sống tâm linh của các dân tộc, sau trở thành đời sống tinh thần của công chúng được lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay.

Để bảo tồn, gìn giữ hát then, đàn tính, những năm qua tỉnh đã có biện pháp như: tuyên truyền HTĐT trong cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ, đưa vào thể nghiệm trong các trường học, phục dựng, sưu tầm, tổ chức hội diễn, hội thảo làm rõ giá trị HTĐT. Đặc biệt liên hoan HTĐT lần thứ IV được tổ chức tại Lạng Sơn (từ ngày 3 đến 6-11-2012) là dịp khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này đồng thời góp phần tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng then. Đây cũng là dịp để chuẩn bị cho việc lập hồ sơ trình UNESCO, công nhận HTĐT là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây