Hội Nông dân tỉnh: Đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế

Thứ sáu - 12/10/2012 15:10
Những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nông dân, củng cố và xây dựng tổ chức hội vững mạnh; Hội Nông dân (HND) tỉnh luôn quan tâm đến việc tìm ra các giải pháp giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Chính vì vậy, việc hỗ trợ vốn, kiến thức khoa học... cho nông dân đã được các cấp HND quan tâm, nhằm cải thiện mức sống và nâng cao thu nhập cho hội viên.


Mô hình trồng cây Thanh Long ở xã Hoàng Văn Thụ (Bình Gia)

Để tổ chức hội hoạt động thực sự hiệu quả, HND tỉnh đã chủ động bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo các cấp hội triển khai tuyên truyền, giúp hội viên phát triển kinh tế. Ông Nông Quốc Long, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Nhằm hỗ trợ nông dân có vốn, KHKT áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, Hội luôn đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, đến nay số tiền quỹ lên đến gần 10 tỷ đồng, trong 5 năm qua ( 2008- 2012), Hội giải quyết cho 159 dự án với 1.869 hộ vay đầu tư sản xuất, chăn nuôi.

Đồng thời, HND các cấp đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho trên 20.000 hộ vay vốn với số tiền hơn 370 tỷ đồng; vận động, tuyên truyền hội viên sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo thêm được 23 dự án nhỏ vay vốn gần 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 23 lao động nông thôn.

Cùng với việc tạo nguồn vốn, các cấp hội còn giúp cho hội viên có kiến thức, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao. Trong 5 năm qua, Hội đã chủ động liên kết, phối hợp với các ngành chức năng mở 4.635 lớp cho 344.000 lượt hội viên tham gia. Nội dung tập huấn chủ yếu về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng và chế biến sắn cao sản, trồng keo, trồng lạc, đỗ, đậu tương xen sắn và thâm canh sắn bền vững trên đất dốc, kỹ thuật thâm canh lúa lai, lúa thuần chất lượng cao và biện pháp thâm canh tăng vụ…

Nhờ được học hỏi kinh nghiệm qua các lớp tập huấn nên đã có nhiều hội viên xây dựng được các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như gia đình ông Hứa Văn May, xã Đồng Bục (Lộc Bình); Hoàng Văn Thuận, xã Vân Nham ( Hữu Lũng); bà Dương Thị Vinh, xã Chiến Thắng (Bắc Sơn)...

Cũng giống như nhiều hộ khác, từ chỗ là hộ nghèo, sau khi được HND xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển mô hình VAC, đến nay anh Hoàng Xuân Bách, xã Vạn Linh (Chi Lăng) đã vươn lên thành hộ kinh tế khá. Anh Bách chia sẻ: Tuy có lợi thế về đất đai, nhưng do thiếu vốn và không có kế hoạch làm ăn khoa học, gia đình tôi chỉ biết cấy lúa 1 vụ/năm, trồng sắn, ngô, làm mấy luống hoa màu nên chỉ đủ ăn qua ngày.

Thế rồi qua những lần được HND tổ chức cho đi học tập các mô hình làm kinh tế tiêu biểu trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện được vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng..., tôi đã chuyển toàn bộ khu đất trống trước đây thành vườn cây ăn quả, nuôi thêm gia cầm, thuỷ cầm. Kể từ khi thay đổi cách làm kinh tế, đến nay đời sống gia đình đã khá lên nhiều, hàng năm tổng thu nhập đạt từ 60 - 80 triệu đồng.

Có thể nói, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nên nhiều hộ nông dân đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 30.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; nhiều hộ có mức thu nhập từ 50- 200 triệu đồng/ năm.

Thêm nữa, trong phong trào phát triển kinh tế của nông dân, các hộ khá, giàu đã tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo vươn lên bằng cách hỗ trợ con giống, giúp ngày công, tiền mua vật tư nông nghiệp... nhờ đó bình quân mỗi năm tỷ lệ hội viên nông dân nghèo của tỉnh giảm 2,8- 3%. Bộ mặt các vùng nông thôn trong tỉnh, nhất là ở các xã vùng ngoài, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có nhiều khởi sắc.

Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết thêm: Bên cạnh những mặt đạt được thì sản xuất nông nghiệp của hội viên nông dân trong tỉnh vẫn còn nhiều thách thức, do nền sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm hàng hóa còn thấp.

Trong khi đó, giá cả tiêu dùng, các loại hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc... tăng kéo giá nhiều loại hàng hóa khác tăng theo.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các cấp HND trong tỉnh cần chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể hỗ trợ, khuyến khích hội viên nông dân phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm, mặt khác, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây