Mấy
hôm chồng công tác xa nhà, chị Thảo vừa bận rộn với công việc cơ quan, vừa chăm
sóc con nhỏ và mẹ chồng đang ốm, chị chẳng biết xoay xở thế nào.
Bà
cụ mẹ chồng chị đã cao tuổi, bị đau xương khớp, mỗi khi trái gió trở trời lại
thêm chứng cao huyết áp và mất ngủ. Cụ là một Phật tử, thường đến chùa tụng
kinh mỗi tối và ăn chay trường quanh năm, nên chị Thảo chẳng biết tẩm bổ cho mẹ
thế nào. Người già ốm mà không đủ chất thì lấy đâu sức đề kháng để chống bệnh. Nhìn
cụ bệnh, không ăn được nhiều, người cứ gầy rọc đi, chị Thảo càng thêm lo lắng.
Chị khuyên mẹ chồng bỏ ăn chay, ăn thêm thịt, cá, trứng, sữa cho đủ chất, nhưng
cụ một mực vẫn chỉ ăn thức ăn từ thực vật. Cuối cùng, chị quyết tâm tìm hiểu về
các thành phần dinh dưỡng trong thực vật có thể thay thế cho thực phẩm động vật
để lên thực đơn dinh dưỡng cho cụ. Nhờ vậy, chị không những chăm sóc được mẹ
chồng chu đáo, mà còn phát hiện thấy nhiều lợi ích của việc ăn chay, áp dụng
cho bữa cơm trong gia đình mình.
Xưa
nay, nhiều người vẫn quan niệm việc ăn chay thường dẫn đến thiếu dinh dưỡng
nghiêm trọng, đặc biệt là các chất dinh dưỡng trong những thực phẩm có nguồn
gốc từ động vật như chất đạm, chất béo, một số chất khoáng như canxi, sắt và
các yếu tố vi lượng như đồng, mangan, kẽm, iốt, nhôm,… một số vitamin như
vitamin A, B, v.v…
Đây là một quan niệm sai lệch, chưa hiểu nhiều về dinh dưỡng
chay. Thực ra, nguồn chất dinh dưỡng có trong các thực phẩm thực vật không thua
kém gì các dưỡng chất có trong thịt, cá, trứng, sữa cũng như các thực phẩm khác
có nguồn gốc từ động vật.
Một
số loại đậu như đậu đen, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu phụng, đậu nành rất giàu
chất đạm. Ngoài ra, chất đạm còn có trong trái cây, ngũ cốc, rau cải… Do vậy,
ngay cả khi chúng ta không ăn thịt, vẫn có thể đảm bảo đủ hàm lượng đạm cung
cấp cho cơ thể, nếu như chúng ta biết sử dụng kết hợp các loại thực phẩm nói
trên.
Bên cạnh đó, nguồn chất đạm từ thực phẩm thực vật còn dễ tiêu và ít năng
lượng, ít chất béo, bão hòa hơn đạm từ thịt động vật. Bởi vậy, những người
không ăn thịt thường tránh được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Ngày
nay, không chỉ những người ăn chay mà đa số trong chúng ta đều có thói quen
dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật. Đây là một sự lựa chọn thông minh vì nó
đặc biệt tốt cho sức khỏe con người.
Chất béo có trong các loại hạt: vừng, lạc
(đậu phụng), đậu nành… Với thực phẩm được chế biến bằng dầu thực vật như dầu
mè, dầu hướng dương, dầu ôliu… thường ít gây cho chúng ta cảm giác béo ngấy và vì
thế cũng dễ hấp thụ hơn.
Như
chúng ta đều biết, thịt, cá, trứng và đặc biệt là sữa và các chế phẩm từ sữa
cung cấp cho cơ thể con người nhiều chất khoáng cần thiết, có vai trò rất quan
trọng trong việc tham gia vào quá trình tạo tổ chức xương, tạo protit, duy trì
cân bằng kiềm toan, tham gia chức phận nội tiết, điều hòa chuyển hóa nước trong
cơ thể...
Tuy nhiên, nếu bạn ăn chay thì vẫn có thể thay thế thịt, cá, trứng,
sữa bằng một số thực phẩm thực vật. Các chất khoáng gồm magiê, natri, kali...
được coi là các yếu tố kiềm không chỉ có trong sữa mà còn có nguồn gốc từ các
loại rau, quả. Các chất lưu huỳnh, phốt pho, clo... là yếu tố kiềm có trong
thịt, cá, trứng thì cũng tồn tại trong ngũ cốc và các loại thực phẩm thực vật
chứa chất bột.
Chất sắt cũng có nhiều trong các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa
mạch, yến mạch, đậu Hà Lan, các loại đỗ, một số loại hạt như hạt vừng, hạt
hướng dương, hạt bồ đào, hạt hạnh nhân, hay các loại rau lá xanh như rau xà
lách xoong, cải xanh...
Một
điều thú vị nữa là với thực phẩm từ thực vật, cơ thể chúng ta luôn được cung
cấp nguồn vitamin dồi dào. Các loại rau, củ như rau ngót, rau đay, rau dền, rau
muống, rau khoai lang, kinh giới, xương sông, rau thơm, cà rốt, các loại quả
màu vàng, da cam như gấc, đu đủ chín, hồng, xoài, mít, dứa..., là nguồn thực
phẩm có nhiều b-caroten (tiền vitamin A). Vitamin B có trong các loại đậu đỗ.
Rau
quả tươi là thức ǎn chủ yếu cung cấp vitamin C như rau cải, rau muống, rau
ngót, rau mồng tơi, các loại rau thơm... Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt
trong thực vật tốt hơn. Vì vậy, nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C cùng
với các loại thực phẩm giàu chất sắt.
Ngoài
ra, rau xanh còn cung cấp chất khoáng và chất xơ. Một số loại rau còn chứa chất
đạm như rau ngót, rau muống.
Đối
với thực phẩm thực vật, cần chú ý ở khâu sơ chế và chế biến để đảm bảo vệ sinh
và dinh dưỡng. Rau xanh cần được ngâm, rửa nhiều lần bằng nước sạch trước khi
chế biến để tránh thuốc trừ sâu, các hóa chất và các nguồn gây bệnh khác. Nên
rửa rau trước khi thái để nguồn vitamin trong rau không bị phân hủy trong nước.
Và cuối cùng, với thực phẩm thực vật, cần ăn nóng ngay sau khi chế biến để
không làm giảm lượng chất dinh dưỡng có trong thức ăn.
Với
một thực đơn hỗn hợp các thực phẩm chế biến từ thực vật, bạn không những bổ
sung được đầy đủ nguồn chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mà còn tránh được
nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, bệnh béo phì, cao huyết áp, tiểu đường và
nhiều chứng bệnh khác. Với sự lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, hãy
tin rằng bạn đã trở thành bác sĩ thông minh cho chính sức khỏe của bạn.
Nguồn tin: Tập san Pháp luân
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự