Giới luật của người Phật tử tại gia

Thứ tư - 23/12/2009 09:03
Căn bản giới luật của đạo Phật nhằm ngăn ngừa bốn tội chính là sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói không đúng sự thật (kinh gọi là sát, đạo, dâm, vọng) và cũng nhằm hạn chế mặt xấu, cùng phát huy mặt tốt của ba nghiệp thân khẩu ý. Căn bản giới luật của đạo Phật nhằm ngăn ngừa bốn tội chính là sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói không đúng sự thật (kinh gọi là sát, đạo, dâm, vọng) và cũng nhằm hạn chế mặt xấu, cùng phát huy mặt tốt của ba nghiệp thân khẩu ý.
Sát sinh, trộm cắp, tà dâm là những việc làm tội lỗi, tạo thành thân nghiệp. Khẩu nghiệp tội lỗi do phạm phải bốn điều là nói không đúng sự thật, nói thêu dệt, nói lời hung ác và nói lời gây chia rẽ. Ý nghiệp gồm có tham lam, sân hận và si mê. Đó là những mặt xấu của ba nghiệp thân khẩu ý.

Tuân thủ lời Phật dạy, người Phật tử tại gia hạn chế ba nghiệp của thân, khẩu, ý, nghĩa là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói sai sự thật, không nói lời độc ác, không nói bịa đặt, không nói lời gây mâu thuẫn, không tham lam, không giận dữ, không sai lầm. Nhờ giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý không phạm những lỗi lầm như vậy, người Phật tử tại gia sẽ hạn chế được những việc ác theo thế gian, từ đó sẽ hoàn thiện được nhân cách tốt đẹp trên cuộc đời này.

Nâng lên một bước, Đức Phật dạy hàng Phật tử tại gia chẳng những không sát sinh mà hộ mạng, bảo vệ sự sống cho mọi người, mọi loài; chẳng những không trộm cắp mà bố thí, san sẻ tiền bạc, y phục, thuốc men, v.v… cho những người kém may mắn hơn mình và luôn xây dựng một gia đình đạo đức mẫu mực, hạnh phúc.

Đó chính là việc phát huy mặt tích cực của ba nghiệp thân khẩu ý bằng mười thiện nghiệp. Ngoài việc tự bản thân thực hiện ba nghiệp thân khẩu ý tốt đẹp, người Phật tử tại gia còn hướng dẫn, giúp đỡ người xung quanh thực hiện  mười hạnh lành của thân khẩu ý để cùng nhau xây dựng xóm làng, đoàn thể, xã hội an vui ngay trong cuộc sống này.

Sở dĩ người ta tạo ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng, tức phạm tội sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói lời hung ác…, vì động cơ thúc đẩy từ tâm mà sinh ra, đó là tham, sân, si. Thực hiện lời Phật dạy, người Phật tử tại gia phải đem pháp Phật vào lòng để đẩy lùi những điều ác ra khỏi tâm mình. Giáo pháp Phật rất nhiều, nhưng chủ yếu chúng ta sử dụng bốn tâm vô lượng là Từ Bi Hỷ Xả. Hàng ngày, chúng ta huân tập vào tâm mình bốn tâm vô lượng để tẩy sạch ba tánh ác bên trong là tham, sân, si.

Và khi thực hành được tâm Từ Bi Hỷ Xả, chắc chắn hành giả sẽ có được sức cảm hóa người xung quanh sống theo hướng lành mạnh, tốt đẹp theo pháp Phật. Nếu tâm từ bi của hành giả còn nhỏ hẹp thì sẽ thuyết phục được một ít người hữu duyên với mình và khi tâm từ bi mở rộng thì sức cảm hóa của hành giả càng ảnh hưởng đến nhiều người cùng sống tốt đẹp theo mình.

Có thể khẳng định rằng chính người Phật tử tại gia đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng Thiên đường, Niết bàn, hay địa ngục ở trần gian cho mình và mọi người. Thật vậy, nếu sống trái lời Phật dạy, nghĩa là sống không có đức hạnh, sống tội lỗi, sống si mê, thì người đó đang lặn hụp trong địa ngục trần gian này.

Trái lại, nếu đi theo con đường của Đức Phật vạch ra, nghĩa là thể hiện mười điều lành của thân khẩu ý và phát triển bốn tâm vô lượng trong cuộc sống này, thì người Phật tử tại gia đã xây dựng được cho chính mình, cho gia đình và dìu dắt người xung quanh cùng chung sức xây dựng xã hội tốt đẹp.

Đó chính là thiên đường trần gian đã được tạo dựng và khi hành giả mãn duyên ở thế giới Ta bà này, con đường thăng hoa lên Thiên đường, hay Cực lạc, hoặc Tịnh độ lý tưởng là điều tất yếu. Nói cách khác, ba nghiệp thân khẩu ý trong sạch cùng với bốn tâm vô lượng Từ Bi Hỷ Xả là nền móng vững chắc để hành giả xây dựng Thiên đường, hay Niết bàn, Cực lạc ở trần gian này và trong mười phương Pháp giới. 

Tác giả bài viết: HT Thích Trí Quảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây