Thật
ra, tập tục đốt giấy tiền vàng bạc chỉ bắt đầu từ triều đại nhà Hán trở về sau.
Tiến sỹ Vương Dữ đời Đường từng nói: “Vào thời Hán, mỗi khi tang lễ người ta
đều chôn theo tiền bạc, về sau họ dùng tiền mã để làm việc chôn cất”. Điều này
cho ta thấy rằng: bắt đầu từ thời nhà Hán trở về sau, mỗi khi mai táng người
chết đều chôn theo tiền giấy. Bởi vì, người Trung Quốc từ xưa đến nay đều cho
rằng: con người sau khi chết đều trở thành quỷ “Nhân sở quy vi quỷ” (Thuyết Văn
Giải Tự), người chết đã là quỷ, cho rằng thế giới của quỷ cũng giống trên dương
gian, chỉ là vì âm dương cách biệt mà thôi. Vì vậy, họ cho rằng quỷ cũng cần
phải sinh hoạt , và cũng cần phải dùng đến tiền, cho nên khi mai táng, họ đã
chôn theo tài sản tiền bạc cho người đã tạ thế.
Về
sau, có nhiều người cảm thấy dùng tiền thật để mai táng quả là đáng tiếc, nên
đã dùng giấy giả làm như tiền thật, đốt cho ma quỷ dùng. Mãi đến ngày nay, việc
đốt tiền mã đã trở nên phổ biến, “ngân hàng địa phủ” cũng đã phát hành rộng rãi
khắp nơi.
Và
những quan niệm mê tín, không lành mạnh này hầu như lại được bắt đầu từ những
cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo, họ dùng giấy tiền vàng bạc, nhà lầu xe hơi và
những vật quý giá giả tạo, thậm chí có những nơi rất dã man, dùng cả súc vật và
con người đem đi hỏa thiêu để tế lễ, cúng kỵ.
Nói
đến việc dùng lửa để thiêu đốt những đồ mã, có thể có liên quan đến tôn giáo
thờ lửa, vì họ tin rằng thần lửa có thể đem những đồ đạc được thiêu đốt chyển
đến quỷ thần. Thần lửa của phái A Kỳ Ni (Lê Câu Phệ Đà) - Ấn Độ giáo có
công năng như thế.
Nhân
gian Trung Quốc cho rằng: đem giấy tiền vàng bạc giả, các loại đồ mã như ngựa,
xe, phòng ốc thậm chí những thứ hiện đại như xe hơi, máy bay, di động.v.v…
thiêu đốt thì quỷ thần sẽ thọ dụng được.
Thực
ra, Phật giáo không cho rằng mọi người sau khi chết đi đều trở thành quỷ, làm
quỷ chỉ là một trong sáu nẻo luân hồi mà thôi. Phật giáo càng không tin việc
quỷ thần có thể thọ dùng được những đồ mã của chúng ta đốt cho họ. Phật giáo
chỉ tin rằng những người thân quyến của người chết nên thay họ làm việc bố thí,
cúng dường, trai tăng, hồi hướng công đức cho vong linh được siêu thoát. Còn
những việc mê tín trên không chút liên quan lợi ích cho người quá cố.
Phật
giáo không những không tin việc đốt đồ mã, mà còn chủ trương khuyên tín đồ đối
với người tạ thế, không nên dùng quan tài quý giá, không mặc cho họ những gấm
vóc lụa là, không nên phí quá nhiều tiền của sức lực cho việc mai táng. Chỉ nên
vì họ thay đổi y phục sạch sẽ thường ngày, đem những tài vật quý giá, những y
phục đồ dùng còn tốt bố thí cho người nghèo, nếu như có tiền, nên tăng cường
làm việc bố thí cúng dường để hồi hướng công đức cho họ, chỉ có như vậy, vong
linh người chết mới nhận được lợi ích thiết thực. Ngược lại, nếu đem những đồ
đạc quý giá chôn theo họ thì thật là luống phí mà chẳng lợi ích chi, đó chỉ là
hành vi mê tín, càng không phải là việc mà một Phật tử chân chánh nên làm.
Hiện
nay lại có những Tăng Ni vì cư sỹ tại gia mà tụng kinh, bái sám, cúng thí, làm
pháp thủy lục .v.v.. đều phải viết văn sớ, sau khi đọc sớ xong đem đi đốt.
Những việc làm đó đều là bắt chước theo phép phù lục của Đạo giáo, họ hướng đến
các vị thần mà họ sùng bái tâu sớ, làm phù phép trừ tà đuổi quỷ. Riêng đối với
Phật giáo, những việc làm này đều là mê tín, hoàn toàn không có căn cứ.
Phật giáo chủ trương nhân quả luân hồi và tất cả đều do nơi lòng chí thành mà có cảm ứng, nếu như tâm nguyện chí thành rồi thì không cần phải dùng đến những việc như đốt sớ và giấy tiền vàng bạc. Nếu đem tiền của để phí phạm vào những việc này thì dù có đốt đi trăm ngàn tờ giấy bạc, nhà lầu, xe hơi cũng chỉ vô ích mà thôi.
Tác giả bài viết: HT Thánh Nghiêm
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự