Người
xưa hay nói tu là cội phúc, tình là dây oan. Nhưng ở đây, tôi chỉ nói phân nửa
tu là nguồn hạnh phúc thôi. Chúng ta tu là để tìm con đường an lành hạnh phúc,
thảnh thơi tự tại. Không phải tu để mà tu, chẳng biết lợi ích gì trong cuộc
sống. Cho nên chúng tôi muốn làm sao Tăng Ni, Phật tử đều thấy được lợi ích
thiết thực trong việc tu hành của mình. Nếu không như thế thì lâu ngày chúng ta
sẽ đâm ra chán nản trong việc tu hành.
Tất
cả chúng ta đã được duyên lành xuất gia, học đạo, tu theo Phật. Còn quý Phật tử
tuy chưa xuất gia, nhưng cũng có tâm hâm mộ, kính mến Phật pháp. Quý vị đến với
đạo để trở thành con người hữu ích cho gia đình, xã hội và làm đẹp cuộc đời cho
mình, cho người.
Chúng
ta là đệ tử Phật, tu theo Phật để chuyển một con người phàm tục trở thành con
người trí tuệ. Đó là quá trình tự chuyển hóa đời mình từ xấu trở thành tốt, từ
phàm trở thành Thánh. Như vậy tu là chuyển đổi chứ không phải tu để cầu xin ân
huệ của Phật. Đa số Phật tử có lòng tin Phật rất sâu, nhưng tin bằng cách cầu
xin chứ không phải tin bằng sự cố gắng tu hành. Ví dụ chúng ta muốn được bình yên
thì giữ tâm luôn định tỉnh sáng suốt trong mọi lúc mọi thời. Còn khi bị người
ta chọc tức, mình nổi sân lên mắng chửi đánh đập người ta, thì làm sao Phật gia
hộ được.
Cũng
như cha mẹ có một đứa con trai, hết mực cưng chiều. Khi nó lớn lên, cha mẹ dạy
bảo không được ra đường đánh lộn chửi lộn, không được hút thuốc, uống rượu, cờ
bạc hoặc chơi với những đứa du đãng. Đó là cha mẹ thương, muốn cho con được yên
ổn để học hành. Nhưng khi ra đường nó ngỗ nghịch, đánh lộn với người ta. Bị
người ta đập lại đau quá, nó kêu: "Ba ơi, mẹ ơi, cứu con! ". Khi đó
cha mẹ cứu kịp không? Cứu không kịp. Rồi nói cha mẹ không thương, con kêu cứu
mà không chịu cứu nó. Lời nói đó có căn cứ hay vô căn cứ?
Cũng
vậy, Phật thương chúng sanh đáo để, lúc nào cũng hết lòng chỉ dạy, giáo hóa
chúng ta. Song chúng ta không nghe theo lời Phật chỉ dạy thì làm sao Phật cứu
được. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có kể lại rằng: Đức Phật đi giáo hóa trong
xóm theo đạo Bà-la-môn. Dân chúng nghe pháp rồi kéo nhau theo Ngài nên bỏ đạo
của họ. Khi đó vị lãnh đạo Bà-la-môn tức quá, ông đón đường Phật, kêu tên Phật
chửi từ đầu tới cuối xóm. Chửi đến khô cổ họng mà Phật vẫn cứ ung dung, không
trả lời gì hết. Ông càng tức, nên chận Phật lại hỏi:
-
Cù Đàm! Ngài có điếc không?
Phật
đáp:
-
Ta không có điếc.
-
Ngài không điếc tại sao tôi chửi Ngài không trả lời?
Phật
liền đưa ví dụ:
-
Như ở nhà ông có đám giỗ, ông mời bà con đến. Khi dự tiệc xong, ra về. Ông đem
tặng bà con, mỗi người một gói quà. Họ không nhận, thì quà đó thuộc về ai?
Vị
Bà-la-môn trả lời:
-
Tôi tặng họ mà họ không nhận, thì quà đó thuộc về tôi chớ về ai!
Phật
nói:
-
Cũng vậy, ông chửi ta mà ta không nhận, thì những lời chửi ấy có dính dáng gì
với ta.
Phật
chỉ nói một câu nhẹ nhàng như vậy. Quý vị thấy Phật thiệt thòi hay ông Bà-la-môn
thiệt thòi? Chửi người ta mà người ta không nhận thì phần đó thuộc về mình. Nhờ
vậy mà đến bây giờ chúng ta lạy Phật hoài. Nếu lúc đó Phật dừng lại, cãi lộn
với ông Bà-la-môn, thì bây giờ chúng ta đâu có thờ, có lạy Ngài. Nhẫn nhịn, không
chống cự, không phản đối, đó là tư cách của người tu. Cho nên dù xuất gia hay
tại gia mà khéo nhẫn nhịn, đó là người có sức mạnh.
Người
tu phải tập, đối với những gì trái ý nghịch lòng, chúng ta vẫn thản nhiên bỏ
qua. Thường chúng ta nhịn không được là vì bản ngã mà ra. Thí dụ nghe người ta
nói: "Anh ngu quá" hay "Thầy ngu quá" thì nổi nóng lên
liền, cự lại để tỏ rằng mình khôn. Nhưng cự với người ta để thành khôn là ngu
hay khôn? Tôi thường nói nếu có ai bảo tôi ngu thì tôi trả lời: "Phải, tôi
là người ngu". Bởi vì trong thế gian này, có vô số điều mà mình chỉ biết
có ít điều thôi thì không ngu sao được? Thí dụ mình học được nghề thợ hồ thì
biết trong nghề thợ hồ, chớ qua nghề điện, mình đâu có biết. Trên thế gian này
có trăm ngàn muôn ức nghề, trăm ngàn muôn ức môn học, ai mà học hết cho được.
Như vậy làm sao dám tự xưng là khôn được.
Chúng
ta chỉ biết một phần trong triệu triệu phần, là khôn hay chưa khôn? Là chưa
khôn. Thế nên người ta nói mình ngu, mình nhận là ngu, vì mình biết ít quá.
Biết rõ như vậy thì ngu hay khôn? Còn nếu nghe mình ngu liền nổi tức lên chửi
lộn, đánh lộn với người ta là khôn hay ngu? Như vậy mà thế gian có ai chịu ngu
đâu. Lúc nào cũng nghĩ mình khôn. Vì vậy hình ảnh đức Phật ung dung đi khất
thực, bị người ta chửi Ngài vẫn thản nhiên không giận không hờn. Đó là tấm
gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo.
Như
vậy chúng ta biết tu, trước những cảnh thách đố, bị người ta nhục mạ, mình vẫn
thản nhiên tự tại, đó là hạnh phúc. Người tu mới nhìn qua thấy như thiệt thòi,
nhưng chính sự thiệt thòi đó lại là điều tốt. Vì qua những nghịch cảnh ấy,
chúng ta mới biết được nhẫn lực của mình tới đâu, việc tu tiến hay lùi.
Hiểu
như vậy tất cả chúng ta tu, nếu gặp cảnh không vui không thuận, chúng ta vẫn
thản nhiên, cố gắng làm chủ được mình, thắng được mình. Đó mới thật là người
tu. Ngược lại chúng ta thua giặc nóng giận, đó là chúng ta chưa khéo tu.
Trong
kinh, Phật dạy: "Thắng một vạn quân không bằng thắng mình, thắng mình mới
là chiến công oanh liệt nhất! " Chúng ta vào các chùa cổ, thường thấy tấm
bảng để trên điện thờ: "Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi". Đại hùng là
sức mạnh phi thường. Đại lực cũng là sức mạnh không có gì đương nổi. Như vậy,
người có sức mạnh phi thường, không gì đương nổi là một vị anh hùng.
Đức
Phật đã cầm binh đánh giặc bao nhiêu lần mà chúng ta gọi Ngài là đấng Đại hùng?
Thường ở thế gian hay nói ai thắng được kẻ địch, đó là người anh hùng. Như vậy
Phật đã thắng được kẻ địch nào? Đức Phật không thắng ai bên ngoài hết, mà Ngài
thắng được chính mình. Ngài không bị nóng giận, tham lam, si mê chi phối, làm
chủ được nó là thắng mình. Thắng được mình là chiến công lớn nhất.
Chúng
ta nhớ lại bao nhiêu vị anh hùng trên thế gian được nhân loại quý trọng, đều do
sức mạnh thắng được người ngoài. Nhưng sự quý trọng đó chỉ một lúc, một thời
nào thôi. Còn đức Phật tới ngày nay, đã trên hai mươi lăm thế kỷ mà toàn thế
giới đều quý trọng. Bởi Ngài đã từng thắng được mình. Vì vậy mà nói Phật là
đấng Đại Hùng.
Muốn
thắng được mình phải nhờ công phu tu. Nhờ tu chúng ta thắng được tất cả tâm xấu
xa, những ý niệm không tốt. Nhờ tu chúng ta dẹp bỏ được phiền não. Nhờ tu chúng
ta mới có trí tuệ sáng suốt. Như vậy tu là hạnh phúc. Cho nên người tu hành mà
nóng nảy thì không thể gọi là tu hành. Như vậy muốn cho bảo đảm trên đường tu
chúng ta được an lành tự tại, thì cần phải sáng suốt, thấy đúng lẽ thật, đừng
bị ngoại cảnh lôi dẫn, đừng bị những việc thách đố nghịch lòng làm cho chúng ta
mất hết tư cách người tu. Chúng ta tu là đem lại sự an lành, tự tại cho chính
mình.
Hàng
cư sĩ tại gia nếu biết tu, sẽ có những hạnh phúc gì? Phật tử tại gia, sau khi
quy y Tam Bảo rồi, đức Phật dạy phải giữ năm giới cấm. Tôi trở lại ví dụ trước.
Như cha mẹ vì thương con, muốn bảo vệ cho con được an lành, nên cấm không được
đánh lộn chửi lộn, hút thuốc, uống rượu, hoặc chơi với mấy đứa du đãng v. v… Đó
là tình thương của cha mẹ muốn bảo vệ con, nên mới cấm như vậy.
Có
nhiều người đặt câu hỏi: "Đạo Phật là đạo giải thoát, đạo tự do tại sao bước
chân vào đạo, Phật bắt giữ giới. Như vậy là mất tự do rồi". Quý vị xét kỹ
chúng ta giữ giới như cư sĩ thì năm giới; xuất gia Sa di thì mười giới, Tỳ-kheo
hai trăm năm mươi giới, Tỳ-kheo Ni ba trăm bốn mươi tám giới v. v… Giữ giới là
tự do hay mất tự do? Thường người ta nói tự do là không bị ràng buộc. Có ràng
buộc là mất tự do. Nhưng tôi đặt trường hợp: Thí dụ như đi đường, nhất là ở
thành phố, xe cộ nườm nượp. Nếu người đi đường không giữ luật đi đường, người
ta đi tay phải, mình đi tay trái v. v… thì tai nạn xảy ra nhiều hay ít? Chúng
ta không giữ luật đi đường, đó là chúng ta gây tai nạn cho mình, cho người. Còn
nếu người giữ đúng luật đi đường, thì không gây tai nạn cho ai cả. Như vậy mình
bình yên, người khác cũng bình yên.
Cũng
vậy, vì chúng ta muốn bình yên, tự tại nên Phật bắt phải giữ những giới cấm.
Nhờ giữ giới nên chúng ta an vui. Do đó giữ giới không phải là mất tự do, mà
giữ giới là tôn trọng tự do. Nhờ giữ giới chúng ta không xâm phạm, không có gây
phiền lụy cho mình cho người. Đó là sự tự do. Ngược lại, không giữ giới mới mất
tự do, vì mình và người đều bị thương tổn.
Ở
đây tôi dẫn năm giới cho quý Phật tử nhớ. Trong nhà Phật có chia ra Ngũ thừa
Phật giáo:
1.Nhân
thừa.
2.Thiên
thừa.
3.Thanh
văn thừa.
4.Duyên
giác thừa.
5.Bồ-tát
thừa.
Chữ
"thừa" nghĩa là cỗ xe, người Bắc đọc là "thặng". Ngũ thừa
là năm cỗ xe. Tôi dùng một ví dụ cụ thể cho quý vị dễ hiểu hơn. Như bến xe của
tỉnh Sóc Trăng có loại xe chạy gần, có loại xe chạy xa. Quý vị muốn đi gần thì
mua vé xe chạy gần. Muốn đi trung bình thì mua vé xe trung bình. Muốn đi xa,
thì mua vé xe xa. Tùy theo mình muốn tới đâu thì mua vé xe tới đó. Như vậy mỗi
xe có lộ trình, có khả năng chuyên chở khác nhau.
Cũng
vậy, trên đường tu có người muốn làm Bồ-tát, có người muốn làm Thanh văn, Duyên
giác; có người muốn sanh lên cõi Trời, có người muốn trở lại làm người tốt hơn
v. v… Phật cũng tùy theo sở nguyện của mỗi người mà dạy các pháp tu khác nhau.
Cho nên Phật giáo có Ngũ thừa là vậy. Như người tu Nhân thừa thì đời này làm
một người tốt, đời sau sanh ra lại càng tốt hơn, an lành hơn. Hiện giờ Tăng Ni
chúng ta tu là đang đi trên đường nào? Nếu chúng ta tu Thanh văn thừa thì phải
giữ giới Tỳ-kheo. Còn tu Bồ-tát thừa thì giữ thêm giới Bồ-tát.
Trở
lại năm giới của hàng cư sĩ. Giới thứ nhất không được sát sanh. Trong giới này
nói một cách rõ ràng là không được giết người. Nhiều người nói không sát sanh
là từ các loài côn trùng vi tế cho đến con người đều không được giết. Như vậy
có đúng là giới của Phật tử tại gia không? Cấm sát sanh của Phật tử tại gia
trọng tâm là không được giết người. Không được giết người có chia ra ba phần:
Một là thân không giết người. Hai là miệng không xúi bảo kẻ khác giết người. Ba
là thấy, nghe người ta giết nhau mình không vui. Nếu rộng hơn thì thêm những
con vật lớn như trâu, bò, heo, chó v. v… quý vị tránh được bao nhiêu tốt bấy
nhiêu. Đó là giữ giới không sát sanh của hàng Phật tử tại gia.
Phật
tử tại gia giữ giới không giết người có lợi ích gì? Nếu chúng ta không giết
người thì người sẽ không giết lại mình. Không giết người thì khỏi tù tội. Nếu
nóng giận giết người, đó là mình gieo tai họa cho chính mình vì sẽ bị tù tội,
bị người giết lại. Vả như người ta không giết lại thì cũng oán thù không có
ngày trả xong. Do đó giữ giới không sát sanh thì chúng ta được bình an hạnh
phúc. Ngược lại thì suốt đời sẽ bất an, chịu khổ cả thân lẫn tâm.
Phật
tử không trộm cướp của người thì không bị tù tội, khinh khi. Quý vị tưởng tượng
trong xóm, trong làng có kẻ trộm, kẻ cướp thì được người ta khen hay bị người
ta phỉ nhổ, được bình an hay sống trong hồi hộp lo âu? Nên giữ giới không trộm cướp
là chúng ta bảo vệ giá trị của mình, bảo vệ sự bình yên của mình. Đó là nền
tảng để được an vui, hạnh phúc.
Phật
tử không được tà dâm. Giới này có nhiều người coi thường. Nhưng sự thật, nó rất
quan trọng. Bởi vì đạo Phật là đạo đem lại hạnh phúc cho mọi người. Tà dâm tức
là ngoại tình, người chồng hoặc người vợ ngoại tình với kẻ khác gọi là tà dâm.
Nếu trong một gia đình đang bình an, vui vẻ, bỗng người chồng hoặc vợ ngoại
tình với kẻ khác thì gia đình đó có còn bình an, hạnh phúc không? Gia đình đó
sẽ tan nát, con cái khổ sở. Như vậy, không giữ giới tà dâm là làm cho mình khổ,
người khổ, cha mẹ phiền hà, xã hội khinh bỉ. Nếu Phật tử khéo giữ giới này thì
chẳng những bảo vệ được hạnh phúc gia đình, mà còn góp phần làm cho xã hội văn
minh tốt đẹp hơn.
Phật
tử không nói dối. Giới này, có nhiều người giải thích là tất cả mọi việc đều
không được nói dối. Nhưng tôi nhìn khác hơn một chút. Không nói dối là không tự
mình nói những lời dối trá, gạt gẫm người để thu lợi về mình, làm cho người
phải thiệt thòi. Cho nên phạm tội nói dối có ba động cơ:
Một
là nói dối do lòng tham. Hoặc tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi v. v… nói
dối để gạt gẫm người, đó là phạm tội nói dối. Ví dụ có nhiều người đã lập gia
đình rồi, khi đi xa gặp ai vừa ý, họ nói với người ấy chưa có gia đình, chưa
thương ai v. v… Đến chừng sau phát giác ra đã có gia đình, có con cái, thì đủ
chuyện rắc rối xảy ra phải không? Đó là do tham sắc mà nói dối. Tham tài, tham
danh… mà nói dối cũng như vậy.
Hai
là nóng giận mà nói dối. Nóng giận mà nói dối nghe vô lý quá. Nhưng thật ra thế
này, khi nổi giận lên, mình biết người đối diện là anh A, anh B gì đó, nhưng
lại gọi người ta là đồ chó, đồ trâu. Như vậy có đúng sự thật không? Người ta là
người mà nói là chó là trâu, làm sao người ta không bực tức. Vì giận mà mình
nói những lời không đúng lẽ thật gây phiền não cho người, gọi là phạm tội nói
dối.
Ba
là vì tâm ác độc, tâm oán thù muốn hại người mà nói dối. Mình biết người ta
không phạm luật pháp, nhưng vì thù riêng nên làm đơn vu oan, để họ bị giam cầm
khổ sở. Đó là phạm tội nói dối.
Tóm
lại, tội nói dối do ba động cơ: tham lam, nóng giận, ác độc.
Ngược
lại nếu người có lòng từ bi thương người, thương vật, nói dối để cứu nạn thì không
có tội. Thí dụ có một người hàng xóm bệnh trầm trọng đang nằm ở bệnh viện,
chúng ta lại thăm. Nghe bác sĩ nói bệnh này không qua khỏi. Chúng ta biết bệnh
này thế nào cũng chết, nhưng khi bệnh nhân hỏi: "Thưa thầy (anh) bệnh tôi
có qua khỏi không? " Mình có nỡ khẳng định là anh phải chết không? Biết họ
sẽ chết mà chúng ta không dám nói thật. Mà lại nói: "Không sao đâu, uống
thuốc từ từ sẽ lành". Vì thương họ, sợ họ khổ mà mình nói dối cho nên
không phạm giới. Hoặc như có người thợ săn đến vườn chùa, trong vườn có thỏ
chồn. Nhưng khi thợ săn hỏi: "Vườn chùa thầy có thỏ, chồn không? "
Mình nói: "Vườn tôi không có thỏ, chồn. " Như vậy nói dối mà không có
tội. Vì thương không muốn cho chúng bị giết nên ta nói dối.
Hiểu
như vậy chúng ta mới thấy nói dối phạm tội hay không là do nơi tâm. Với tâm
tham lam, tâm nóng giận, tâm ác độc mà nói dối thì phạm tội. Với tâm từ bi
thương người thương vật, mà nói dối thì không phạm. Cho nên việc lợi hại tùy
theo quan niệm, tùy theo tâm tư của mình. Không phải bất cứ lúc nào nói dối
cũng phạm tội hết.
Phật
tử không được uống rượu. Trong giới này chúng ta nên xét đến những trường hợp
ngoại lệ. Như người Tây phương ở xứ lạnh, không uống bia họ chịu lạnh không
nổi. Bây giờ kể cả rượu mạnh, rượu nhẹ đều cấm không được uống thì họ giữ không
được. Cho nên với tôi, thì nên châm chước thế này, cấm uống rượu mạnh, cấm uống
say. Trong thời đại hiện nay cần phải cấm thêm các chất nữa: không được hút á
phiện, xì ke, ma túy. Hồi xưa không có ba thứ đó, chỉ cấm rượu thôi. Nhưng bây
giờ, xì ke, ma túy, á phiện còn nguy hại hơn cả rượu nữa. Cho nên phải cấm hẳn,
tuyệt đối không được dùng xì ke, ma túy, á phiện dù chỉ một chút thôi.
Như
vậy giữ giới có giá trị, có lợi ích rất cụ thể. Phật tử không giết người, không
trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không hút á phiện, xì
ke, ma túy thì gia đình chắc chắn được hạnh phúc. Bây giờ cả xóm, cả làng đều
tu theo Phật, đều giữ năm giới trọn vẹn thì xóm làng đó có sợ ăn trộm, có nghi
kỵ nhau về tà dâm hoặc cãi vã không? Một xóm làng khéo tu, giữ tròn năm giới
thì tối ngủ không cần đóng cửa. Trong sinh hoạt không sợ ai lường gạt mình. Tất
cả mọi người tin tưởng nhau, không nghi ngờ nhau cũng không có những tai họa
như á phiện, xì ke, ma túy v. v… Đó là một xóm, một làng rất đẹp.
Nên
biết Phật tử chỉ cần giữ năm giới là đã đem lại hạnh phúc cho bản thân, cho gia
đình và cho xã hội nữa. Đó là điều hết sức cần yếu. Do đó tôi nói: "Người
biết tu là người tạo được nguồn hạnh phúc cho mình, cho người". Đó là lợi
ích trong đời này. Cho nên tu Nhân thừa Phật giáo, ngay trong đời này chúng ta
là một người Phật tử chân chính, mà chết đi đời sau tái sanh lại, càng được tốt
đẹp hơn.
Người
giữ giới không sát sanh thì đời sau được tuổi thọ dài. Người giữ giới không
trộm cướp thì đời sau sanh ra được nhiều tiền của. Người giữ giới không tà dâm
thì đời sau sanh ra được đẹp đẽ trang nghiêm. Người giữ giới không nói dối thì
đời sau sanh ra nói năng lưu loát, nói ra điều gì người ta cũng tin, cũng quý.
Người giữ giới không uống rượu, không hút á phiện, xì ke, ma túy thì đời sau
sanh ra trí tuệ sáng suốt.
Nếu
người giữ được bốn giới, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không
uống rượu mà không giữ được giới sát sanh; thì người đó đời sau được trí tuệ
thông minh, nói năng lưu loát, đẹp đẽ, giàu sang nhưng lại chết yểu. Được tất
cả mà chết yểu, quý vị có muốn không? Chắc không muốn. Cho nên tốt nhất là giữ
đủ năm giới.
Hoặc
có người giữ giới không sát sanh, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu
nhưng lại phạm giới trộm cắp; thì đời sau được sống lâu, đẹp đẽ, nói năng lưu
loát, trí tuệ thông minh nhưng lại nghèo xơ xác, không có gạo ăn. Như vậy quý
vị có chịu không? Hoặc được sống lâu, nhiều của, thông minh, nói năng lưu loát
nhưng vì không giữ giới tà dâm nên đời sau xấu xí, không ai muốn nhìn hết. Chắc
quý vị cũng không chịu.
Hoặc
giữ giới không sát sanh được tuổi thọ dài lâu, không trộm cắp được giàu sang,
không tà dâm được đẹp đẽ, không uống rượu được thông minh nhưng vì không giữ
giới nói dối nên đời sau nói ngọng, nói lịu, nói ra điều gì người ta cũng chê
cười, không tin. Quý vị có chịu không? Chắc cũng không chịu. Hoặc trong bốn
thứ: sống dai, có của, nói năng lưu loát, đẹp đẽ nhưng ngu tối, quý vị chịu
không?
Nói
chung nếu chúng ta giữ tròn năm giới thì hiện đời là một người tốt, một người
xứng đáng. Khi chết đi, đời sau trở lại sanh làm người được tuổi thọ dài, giàu
sang, đẹp đẽ, nói năng lưu loát, trí tuệ thông minh. Chúng ta có muốn thiếu
điều nào không? Nếu không muốn thiếu thì phải giữ đủ năm giới. Nhân thế nào quả
sẽ thế ấy. Nên cũng ở thế gian, mà người được điều này, thiếu điều kia, không
trọn vẹn. Đó là vì không khéo tu. Nếu chúng ta khéo tu, giữ tròn năm giới thì
đời này đã tốt, đời sau sanh ra càng tốt hơn.
Phật
tử nào hiện đời tu giữ tròn năm giới, khi sắp lâm chung, có ai đến hỏi: "
Anh hay chị chết rồi sẽ đi về đâu? " Quý vị sẽ trả lời: "Tôi giữ tròn
năm giới nên sẽ ngồi trên cỗ xe Nhân thừa Phật giáo, đời sau nhất định trở lại
làm người và tiếp tục tu nữa". Nên người biết tu sẽ nắm rõ ngày mai kết quả
ra sao. Chứ không phải tu thì tu, mà khi gần chết không biết mình đi đâu, rồi
đâm ra hoang mang, hoảng hốt.
Chính
chỗ này, ngày xưa Ma Ha Nam hỏi Phật:
- Bạch
Thế Tôn, con giữ tròn năm giới và tinh tấn tu hành các pháp Phật dạy, như vậy
nếu con ra đường lỡ như bị tai nạn chết liền tại chỗ, thì đời sau con sẽ sanh
về đâu?
Khi
đó đức Phật đưa tay lên, nghiêng sang một bên và nói:
-
Như cây nghiêng như vầy, khi cưa nó sẽ ngã về đâu?
Ma
Ha Nam trả lời:
-
Nếu cây nghiêng chiều nào, khi cưa nó sẽ ngã theo chiều ấy.
-
Cũng vậy, ông đang tu pháp nào, đang gây tạo nghiệp gì thì khi chết sẽ đi theo
đường đó.
Chính
chỗ này, Phật tử cũng hoang mang lắm. Mình bệnh, có quý thầy quý cô đến nhắc
nhở đạo lý, còn hy vọng được theo Phật. Nếu ra đường lỡ xe đụng chết bất đắc kỳ
tử, chừng đó hoảng hốt không biết đi đâu? Trong đạo Phật nói nghiệp có nhiều
thứ, nhưng có hai thứ rất trọng yếu: Một là tích lũy nghiệp, hai là cận tử nghiệp.
Tích
lũy nghiệp là nghiệp tích lũy trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thường làm
điều lành, đó là tích lũy nghiệp lành. Khi nhắm mắt nếu không được Tăng Ni trợ
niệm hay nhắc nhở đạo lý, nhưng nhờ tích lũy nghiệp đó dẫn chúng ta đi con
đường lành. Cũng như cây nghiêng chiều nào thì nhất định sẽ ngã chiều đó.
Cận
tử nghiệp tức là nghiệp lúc gần chết. Trước kia có thể chúng ta phạm nhiều tội
lỗi, nhưng khi gần chết năm bảy tháng gì đó, lại phát tâm hướng về Tam Bảo,
biết ăn năn hối hận những lỗi lầm trước. Từ đó ra sức làm những việc thiện. Đó
là cận tử nghiệp thiện. Lúc lâm chung lại được Tăng Ni hộ niệm, người đó lý
đáng phải đọa, nhưng nhờ cận tử nghiệp tốt, nên được sanh cõi lành. Song thọ
mạng ở cõi lành ngắn ngủi, vì họ phải đọa vào các đường ác để trả lại nợ trước.
Do đó chúng ta thấy có người sanh ra trong gia đình giàu sang, nhưng chừng năm
bảy tuổi thì chết. Bởi vì họ có phát tâm lành, nên hưởng được quả lành, nhưng
quả lành rất ngắn nên họ hưởng cũng ngắn thôi. Hiểu như vậy chúng ta mới không
ngạc nhiên tại sao người có phước, sanh ra trong gia đình khá giả mà lại chết
yểu.
Như
vậy tích lũy nghiệp là nghiệp chúng ta tạo hàng ngày, còn cận tử nghiệp là
nghiệp gần chết chúng ta mới tạo. Hai nghiệp đó đều có cảm quả. Nhưng quả theo
hai hướng khác nhau. Mới thấy lý nghiệp báo trong đạo Phật rất công bằng, rất
hợp lý. Chúng ta tạo điều lành thì được quả lành, tạo điều ác thì phải bị quả
ác. Do tạo nghiệp mà phải chịu quả, chứ không có Phật trời nào can dự vào được.
Chúng
ta tu hành, biết hướng về Tam Bảo, cải đổi những thói quen, những tật xấu để
trở thành người hay, người tốt. Nhờ vậy sau khi nhắm mắt, mình được đi đường
lành. Ngược lại nếu không biết cải đổi, mà cứ xin Phật cho cái này cho cái kia,
thì kết quả không được gì cả. Cho nên tu nhiều thì hạnh phúc nhiều, tu ít thì
hạnh phúc ít. Mình là người chủ tạo duyên lành quả tốt cho mình, chứ không phải
ai khác.
Trên
đường tu, chúng ta hiểu thấu được lẽ này thì không còn trông chờ đức Phật cứu.
Cho dù Phật có cứu mà không chịu tu thì cũng không bao giờ được hưởng quả tốt.
Đó là một lẽ thật. Cho nên nguồn hạnh phúc là ở nơi chính mình, do công của
mình chăm sóc, nuôi dưỡng, chứ không phải từ đâu đến. Thế nên chúng ta phải cố
gắng tạo cho mình một tương lai tốt đẹp.
Bài
giảng hôm nay tôi nói tu hành là nguồn hạnh phúc cho tất cả Tăng Ni, Phật tử
hiểu. Để từ đó chúng ta chọn lấy một con đường tốt, dẫn mình tới chỗ an lạc
giải thoát. Mong tất cả quý vị sáng suốt chọn lấy cho mình một con đường.
Tác giả bài viết: HT Thanh Từ
Nguồn tin: theo Hoa Vô Ưu
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự