5 năm thực hiện Đề án 112 của Chính phủ: Từng bước xây dựng và hình thành xã hội học tập

Chủ nhật - 16/09/2012 23:02
Là một tỉnh có truyền thống về phong trào “Bình dân học vụ”, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người và Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2005-2010, Lạng Sơn đã từng bước xây dựng và hình thành xã hội học tập.


Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn Cao Lộc trong buổi bồi dưỡng kiến thức y tế cho cán bộ và nhân dân - Ảnh: MH

Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, là chìa khoá để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tạo điều kiện cho người dân được hưởng các dịch vụ xã hội về GD&ĐT, nên UBND tỉnh đã huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể như hội khuyến học, đoàn thanh niên, hội phụ nữ..., huy động các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và phối hợp triển khai lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Được giao là đầu mối phối hợp các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức... ngành GD&ĐT đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của một tỉnh miền núi, biên giới có nhiều dân tộc sinh sống.

Phát triển và nâng cao chất lượng loại hình giáo dục chính quy làm nòng cốt cho phong trào học tập của các địa phương được coi là nhiệm vụ chính trị của ngành. Đến cuối tháng 8/2012, toàn tỉnh đã có 688 trường và cơ sở GD; ở cấp học mầm non, tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 28%, mẫu giáo đạt 97,8% (trong đó mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,7%).

Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,92%, huy động vào cấp THCS đạt 98,8%; huy động vào cấp THPT đạt 84,68% (trong đó có 9,12% vào hệ GDTX); huy động ra lớp bổ túc cụm xã được 55 lớp với 1234 học sinh. Lạng Sơn đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) từ tháng 12/2009. Từ khi được thành lập đến nay đã có hơn 10 ngàn lớp được mở với hàng chục chuyên đề, thu hút trên 1 triệu lượt người đến học tập.

Xác định tầm quan trọng của Trung tâm HTCĐ với vai trò là thiết chế giáo dục cho mọi người ở cấp xã, nên hoạt động của trung tâm từng bước được quan tâm. Từ năm 2009 với nguồn kinh phí hỗ trợ cho xã vùng 1 là 20 triệu, vùng 2 và vùng 3 là 25 triệu đồng/ năm, đã giúp các trung tâm có kinh phí hoạt động thường xuyên.

Ông Đoàn Quang Bảy, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Lâm (Cao Lộc) nói rằng, kể từ khi địa phương có được Trung tâm HTCĐ khang trang và được hỗ trợ kinh phí, hoạt động giáo dục cộng đồng ở địa phương đã khởi sắc với nhiều chương trình như tuyên truyền phổ biến pháp luật, cách trồng và chăm sóc cây hồng, chăn nuôi, bảo vệ thực vật...đời sống của bà con cũng vì vậy mà khấm khá hơn.

Ông Dương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Vũ Sơn (Bắc Sơn) cho rằng, bà con Vũ Sơn có thêm nhiều hiểu biết qua hình thức học tập tại trung tâm HTCĐ; các lớp học không chỉ cung cấp cho bà con những kiến thức về lao động sản xuất, mà còn những kiến thức về kinh doanh, giúp bà con tiếp cận với công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Sau 5 năm thực hiện Đề án 112, cơ bản Lạng Sơn đã đạt chỉ tiêu các mục tiêu theo Đề án của tỉnh. Tuy nhiên so với chỉ tiêu quốc gia thì một số kết quả chưa đạt. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 94,5% (chỉ tiêu QG là 96%); độ tuổi từ 15-35 biết chữ đạt 97,6% (chỉ tiêu QG là 99%).

Tỷ lệ huy động trẻ từ 6-14 tuổi bỏ học ra lớp đạt 50% (chỉ tiêu QG là 65%). Cán bộ cấp xã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đạt 75% (chỉ tiêu QG là 80%). Thấp nhất vẫn là chỉ tiêu người lao động nông, lâm, ngư nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng... mới đạt 46% (chỉ tiêu QG là 85%).


Giờ học môn tin học của học sinh Trường PTDT nội trú - THCS huyện Cao Lộc - Ảnh: Thế Bảo

Nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập” giai đoạn 2011-2015 và 2020 ở tỉnh ta còn rất nặng nề. Vấn đề là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là cấp xã; huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị cho loại hình giáo dục chính quy. Các chương trình phải linh hoạt theo hướng người học “cần gì học nấy, học để làm được ngay”. Có như vậy, chúng ta mới đưa phong trào “xây dựng xã hội học tập” vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây