Bảo tồn dân ca Lạng Sơn: Khó khăn và quyết tâm

Thứ ba - 31/07/2012 17:02
Lạng Sơn - một trong những tiểu vùng văn hoá tiêu biểu của vùng Đông Bắc, là tỉnh có bề dày lịch sử văn hoá truyền thống lâu đời. Vì thế có thể ví Lạng Sơn như một “bảo tàng sống” hiện hữu và tiềm ẩn các giá trị văn hoá hết sức phong phú và đa dạng về cả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, trong cơ chế thị trường, vấn đề bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc của tỉnh Lạng Sơn đã nảy sinh những khó khăn. Nhận định rõ vấn đề đó, nên vừa qua, ngày 18/7/2012, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn dân ca Tày – Nùng Lạng Sơn trong thời kỳ mới (hội thảo lần 1) nhằm lấy ý kiến của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa... để tìm ra giải pháp bảo tồn tốt nhất cho dân ca Lạng Sơn.

Hội thảo bảo tồn dân ca Tày, Nùng

Dân ca truyền thống luôn mang trong mình những đặc trưng của xã hội, nó thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc rất độc đáo, đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay một số loại hình dân ca của đồng bào dân tộc ít người có nguy cơ bị mai một. Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: trong việc làm mới nghệ thuật truyền thống, do chưa được nghiên cứu kỹ, cũng như chưa có sự thống nhất nên mạnh ai nấy làm. Do vậy đã có sự lệch lạc từ nhận thức lý luận đến thực hành, dẫn tới hệ quả là phá vỡ truyền thống và đặc trưng riêng của những làn điệu dân ca.

Đối với tỉnh Lạng Sơn – vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống, và trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca như: Then, sli, lượn, cỏ lẩu..., những làn điệu dân ca này đều mang tính nhân văn, triết lý xã hội, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay những nét văn hóa đặc trưng của những điệu dân ca đã và đang có nguy cơ bị mất đi do nhiều yếu tố và nguyên nhân khác nhau. Trước thực trạng này, nhiều năm qua, tại Lạng Sơn đã có nhiều nhà khoa học và một số đơn vị cố gắng làm nhiệm vụ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc bằng nhiều hình thức như: hội nghị hội thảo, làm công trình nghiên cứu như: nghiên cứu về lễ hội dân gian Lạng Sơn, người Dao Lạng Sơn, thất tộc thổ ty..., tổ chức biểu diễn, quảng bá nghệ thuật dân tộc, và nhiều nhà khoa học đã tự tìm tòi nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn nghệ thuật hát then, đàn tính, tổ chức các lớp học về nghệ thuật dân tộc... Tuy vậy, hầu như những nghiên cứu trên vẫn mang tính đơn lẻ, chưa tạo được thành một khối thống nhất và nhất là chưa có sự vào cuộc của ngành khoa học.

Nhận định được vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1176/QĐ – UBND về việc phê duyệt đề tài, dự án khoa học và công nghệ đợt I năm 2011 về đề cương đề tài khoa học “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thích hợp để bảo tồn, phát huy dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển”. Quyết định này nhằm đưa luận cứ khoa học vào việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị đích thực của những làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Tuy vậy, việc đưa khoa học vào công tác bảo tồn dân ca nói riêng và bảo tồn bản sắc văn hóa nói chung không hề giản đơn. Vì việc nghiên cứu khoa học về bảo tồn dân ca cũng rất trừu tượng và đa lĩnh vực. Việc này được các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa trao đổi nhiều tại buổi hội thảo ngày 18/7 vừa qua.

Theo tiến sỹ Lương Đăng Ninh, với vai trò là nhà khoa học thì ý kiến đóng góp của ông là: cần tăng cường, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, giao lưu, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tiến sỹ Hoàng Văn An, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh lại khẳng định: cần phải giữ môi trường sử dụng, diễn xướng gắn với việc học và sử dụng tiếng của đồng bào dân tộc và mở thêm nhiều lớp luyện tập, truyền dạy những làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ. Ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thì cho rằng: lựa chọn và xây dựng các mô hình thí điểm ở các thôn, xã, sau đó nhân rộng mô hình điểm; sửa chữa nâng cấp cơ sở và chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa ở thôn, bản; thành lập các câu lạc bộ hát dân ca....

Còn rất nhiều ý kiến tâm huyến của các đại biểu tham dự hội thảo khoa học trong việc bảo tồn dân ca Tày – Nùng Lạng Sơn, tất cả đều hướng đến nhu cầu cần thiết phải bảo tồn loại hình văn hóa dân tộc này. Tuy vậy, các đại biểu cũng phải thừa nhận: việc đưa khoa học vào bảo tồn dân ca không thể nói là làm được ngay, đây là một việc làm cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cũng khẳng định tuy khó khăn nhưng với việc được Đảng và Nhà nước quan tâm, cùng với tâm huyết của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh, chắc chắn đề án khoa học bảo tồn dân ca Tày – Nùng ở Lạng Sơn sẽ được thực hiện thành công. Ngoài ra, với những tâm tư, nguyện vọng của các nghệ nhân và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, chắc chắn chúng ta sẽ khôi phục thành công những làn điệu dân ca đặc sắc của Xứ Lạng.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây