Đẩy mạnh công tác khuyến công trên địa bàn

Thứ ba - 07/08/2012 07:42
Tuy kết quả đạt được chưa lớn nhưng không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của công tác khuyến công đối với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn.

Những năm qua, hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hàng chục cơ sở sản xuất và DN công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất, sản phẩm CNNT của tỉnh được quảng bá rộng rãi…Đặc biệt, thông qua chương trình khuyến công, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã được đầu tư một lượng vốn lớn, trong 5 năm 2008-2012, từ nguồn vốn này nhiều đề án đã được triển khai và cho những thành quả rất đáng ghi nhận.


Thăm dây chuyền sản xuất nhựa ở Công ty TNHH thương mại Hưng Long

Trong 5 năm qua, hoạt động khuyến công đã thực hiện tổng cộng 66 đề án, trong đó có 24 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới trong các lĩnh vực như: chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, tạo việc làm cho 1.286 lao động. Có 12 đề án hỗ trợ cơ sở CNNT đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị mới vào sản xuất, xử lý môi trường, mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm góp phần tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho 535 lao động…

Qua đó cho thấy hoạt động khuyến công đã từng bước hỗ trợ có hiệu quả, huy động được các nguồn lực đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp tăng thêm, máy móc, thiết bị công nghệ của một số cơ sở sản xuất và trình độ cán bộ quản lý được bổ sung nâng cao, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm được cải thiện đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng hoạt động khuyến công của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, giá trị sản xuất CNNT chiếm tỷ trọng thấp trong GDP nội tỉnh, chất lượng sản phẩm chưa cao, sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, sản phẩm xuất khẩu gần như chưa có...

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, hoạt động khuyến công cần có định hướng và giải pháp thiết thực hơn nữa, nhất là thời điểm khó khăn như hiện nay để có thể khẳng định công tác khuyến công như một bệ đỡ, khích lệ và giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Để thực hiện được việc đó, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tư vấn khuyến công, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền vận động về chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Xây dựng và thực hiện các đề án khuyến công điểm có sự phối hợp giữa trung ương và tỉnh, giữa các ngành, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp trong tỉnh nhằm phát triển những sản phẩm, ngành nghề có tiềm năng, lợi thế. Để thấy được hiệu quả rõ ràng, hoạt động khuyến công cần phải ưu tiên các chương trình, đề án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, địa bàn các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.   

Phát huy những thành quả đạt được, đồng thời tiếp tục thực hiện những chủ trương và giải pháp đã đề ra đối với hoạt động khuyến công, góp phần đưa bức tranh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn của tỉnh ngày một hoàn thiện. Từng bước tăng tỷ trọng của công nghiệp trong tổng thể kinh tế của tỉnh, tiến gần hơn đến chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong những năm tiếp theo.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây