Đảng bộ xã Đô Lương lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm - 24/06/2010 08:39
Đô Lương là một xã vùng II của huyện Hữu Lũng, trong những năm gần đây, bộ mặt của xã đã có nhiều thay đổi đáng kể, cở sở vật chất, kết cấu hạ tầng được xây dựng khá khang trang, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,62% năm 2005 xuống còn 22,13% năm 2009, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng.

Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là 27,72km2, với 976 hộ, trên 4834 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu của người dân là từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Để phát triển kinh tế, trong những năm qua Đảng bộ xã Đô Lương đã chú trọng công tác xoá đói, giảm nghèo và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.

 

Mô hình kinh tế đồi rừng ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng

Là xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn, Đảng bộ xã đã quan tâm chỉ đạo công tác trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Kết quả hàng năm chăm sóc và bảo vệ trên 1500ha rừng trồng, trồng mới được từ 20 - 30ha, đặc biệt trong thời gian qua, do làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy mà trong xã đã không để xảy ra vụ cháy rừng nào.

Kinh tế đồi rừng phát triển, kinh tế trang trại phát triển nhanh và ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao, thế mạnh của kinh tế đồi rừng được khai thác hiệu quả, công tác giao đất, giao rừng, trồng rừng và bảo vệ rừng được quan tâm chỉ đạo, rừng tái sinh phát triển nhanh, nâng độ che phủ rừng từ 45% năm 2005 lên 50% năm 2009.

Để nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con nông dân, các tổ chức đoàn thể trong xã đã tích cực phối hợp với khuyến nông, mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật xuống tận thôn, bản; các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phương pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; các lớp sửa chữa cơ khí nhỏ...

Xã đã quan tâm mở rộng mô hình cánh đồng điểm và thông báo kịp thời tình hình sâu bệnh, dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi đến từng thôn, bản. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể còn tín chấp với Ngân hàng nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số dư nợ là 11.826 triệu đồng.

Các hộ vay nhìn chung đều sử dụng đúng mục đích. Lĩnh vực văn hoá - xã hội, luôn được Đảng bộ xã quan tâm chỉ đạo sát sao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, nhất là phong trào xây dựng làng văn hoá, được phát động rộng khắp.

Công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được quán triệt và thực hiện có hiệu quả. Giáo dục - đào tạo không ngừng phát triển, luôn có sự đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng chuẩn hoá, xã hội hoá, phát huy sáng tạo đề cao vai trò trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, số học sinh khá và giỏi ngày càng tăng.

Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được khơi dậy nhân dịp chào mừng kỉ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày tết cổ truyền...Y tế đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đã hoàn thiện mạng lưới y tế từ xã đến thôn, trạm y tế xã có 5 cán bộ và nhân viên nay được tăng cường thêm 1 bác sĩ, có 10 y tế cộng đồng cắm chốt ở các thôn, bản; các chương trình tiêm chủng quốc gia luôn đạt 100% lứa tuổi theo quy định. Trạm y tế xã 5 năm liền (từ 2005- 2009) đạt trạm chuẩn quốc gia về y tế.

Với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Đô Lương tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trước, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây