Chuyện chưa ai biết về Hòa thượng “Trái cây” - Kỳ 4: “Mãnh hổ quy y”

Thứ ba - 30/06/2009 10:14
Sư chưa kịp định tĩnh con mãnh hổ đã trở lại vào động, Sư nói: “A-Di-Đà Phật, lão tổ đừng sân giận! Oan oan tương báo không bao giờ dứt, ngươi ở nơi đây thì ta sẽ ra ngoài, còn ngươi nhường nơi này cho ta tu hành thì sau khi ta thành đạo sẽ độ cho ngươi quy y Phật, Pháp, Tăng ”.

7. Mãnh hổ quy y, khỉ vượn cúng dường

Thấy mãnh hổ chạy rồi Sư lấy lại bình tĩnh, tự  nghĩ : “Nếu ta kiếp trước có nợ mạng thì đời này ta xin trả, gây  nhân thì phải trả quả ”, lại nghĩ : “Nếu không phải vậy thì sao cái vòng nhân quả lại triền miên không dứt ? ”

Sư chưa kịp định tĩnh con mãnh hổ đã trở lại vào động, Sư  nói: “A-Di-Đà Phật, lão tổ đừng sân giận! Oan oan tương báo không bao giờ dứt, ngươi ở nơi đây  thì ta sẽ ra ngoài, còn ngươi nhường nơi này cho ta tu hành thì sau khi ta thành đạo sẽ độ cho ngươi quy y Phật, Pháp, Tăng ”.

Mãnh hổ nghe lời Sư nói không biết có hiểu hay không, nhưng nó đứng dừng tại chỗ không tiến tới nữa; Sư chỉ nhất tâm niệm Phật, yên lặng chờ xem điều gì lạ diễn ra. Thật bất ngờ, mãnh  hổ gật đầu như  tỏ dấu thần phục, hiền lành lui ra khỏi động, nó nằm phục trước cửa động rồi đứng lên như một vệ sỹ đứng hộ pháp.

Sư thấy hiện tượng như vậy, nghĩ trong lòng: đây hẳn là Long Thần Hộ Pháp che chở, chư  Phật và Bồ Tát gia hộ, nếu không thì khó thoát khỏi miệng cọp  dữ. Từ đó lòng tin càng tăng, ý chí càng thêm kiên định, Sư  âm thầm phát nguyện : “Nếu kiếp này  không ngộ đạo, nguyện trọn đời chôn thân trong động ”.

Từ sau khi Sư hàng phục được hổ, sớm tối cùng với hổ ở chung, không còn sợ sệt, cọp dữ  cũng hiền lành như gia súc, khôn ngoan và hiểu được chút ít tiếng người. Sau đó nó còn dắt vợ con  nhà họ hổ đến trước Sư mà đùa giỡn, trình hiến các kiểu múa vờn cho Sư xem, nhiều lần gục gật đầu trước mặt Sư  như cầu xin việc gì, Sư  liền quy y cho chúng và chỉ dạy yếu chỉ giáo pháp.

Người tuy ở cảnh tiên chốn trần gian, không chút vướng bận sự  đời, nhưng nơi đây là hoang sơn nhiều cỏ rậm, chẳng có rau dại để ăn, gạo đem theo không còn lấy một hạt; vả lại Người nhập định ngày càng sâu, mãi vui trong thiền định nên không thích đi xa.

Mỗi lần bụng đói cồn cào Người chỉ cúi đầu xuống nhìn bụng, vỗ bụng hai cái an ủi nó: “Chúng ta thương lượng với nhau, xin nhẫn nại một chút, chúng ta cùng ngồi nán thêm lần nữa, người không nên nôn nóng, đợi ta tu xong sẽ cho người ăn ngon, mặc đẹp! ”. Cứ  như vậy, Người ung dung nhập định quên cả bản thân và sự vật, không còn biết đêm nay nhằm vào tháng nào, năm nào ?

“ Đói quá! đói quá! ” – Người tuy vui trong cảnh giới thiền nhưng khổ nỗi thân  xác nó chẳng chịu vâng lời sai bảo. Bụng càng đói nó càng gào to; nhất là vào lúc đêm khuya vắng lặng, tiếng nó kêu vang như  sấm, có khuyên dỗ cách gì nó cũng chẳng nghe, nó như đứa con nít đòi ăn kẹo. Phỉnh gạt nó một hai lần thì được, nhưng nhiều lần thì hết linh nghiệm.

Nếu nó không vòi vĩnh ồn ào thì lại la to khóc lớn; không cho ăn thì dứt khoát chẳng chịu yên. Không còn cách nào khác, Người bắt đầu thử uống trà, uống thật đầy bụng. Thế rồi đến khi xuất định, nhìn lại thân mình từ  đầu đến chân, màu da bổng trở thành vàng sậm!

Người đổi sang uống nước lã thì thân thể phù thủng! Bực mình bèn kiên quyết không ăn uống, không cử  động, chỉ nhập sâu vào thiền định thử  xem nó ra sao. Dần dần chỉ còn một lớp da bọc xương, kế đến hơi thở cũng cảm thấy khó khăn và cuối cùng không cử động được nữa!

Đến lúc ấy Người mới hiểu ra, như  thế này thì nguy. Người bèn vận dụng tất cả sức mạnh tinh thần chuyển động cơ thể. Sau một hồi quán tưởng, đầu tiên hai lòng bàn tay có chút cảm giác dần cử động được, tiếp đến hai bàn chân chuyển dần từ cảm giác đến cử động được; sau cùng các bộ phận thân thể đều có cảm giác trở lại. Nhưng toàn thân vẫn mất hết năng lực.

Lúc đầu Người gắng gượng bò được trên mặt đất, rồi dựa vào vách động mà lần bước, tiếp đến  chầm chậm từng bước kinh hành quanh ghế; nghỉ mệt một lúc … cuối cùng mới lê được tấm thân mệt lã ra ngoài tìm thức ăn.

Vì thường thường dùng hết sinh lực vào tu  thiền lâu ngày không ăn, đợi đến lúc không thể chịu đựng lâu thêm nữa Người mới ra ngoài tìm thức ăn,  rồi bò mà về.

Một hôm, trong lúc đói lã, trông thấy xa xa có một bầy khỉ đang đùa giỡn, chúng ăn những hạt trái cây có vẻ ngon lành, Người bất giác chảy nước giãi, bụng cồn cào chịu không nổi, Người nhìn chúng … rồi nhìn lại mình … bỗng mỉm cười nghĩ bụng: “Tính chất của ta giờ đây so với  con khỉ trên cây có khác gì, chúng ăn được tại sao ta không ăn được ?” Bèn  dang tay lượm những hạt chúng đánh rơi xuống đất lên ăn.

Bọn khỉ thấy có người gia nhập hàng  ngũ, chúng tỏ vẻ lạ lùng, con này kề đầu tiếp tai con kia kêu la chí choé. Lát sau thấy trên tay Người chẳng còn hạt nào, chúng tranh nhau ném từ trên cây những hạt tươi ngon xuống cho Người ăn. Ăn xong Người cảm thấy đôi mắt sáng ra, tinh thần sảng khoái. Từ  đó, bầy khỉ hộ pháp cũng có “ tình người ”, thường hái trái cây mang đến cửa động dâng cúng Pháp sư.

Cư sỹ Khuất Ánh Quang, nhân dịp chúc mừng Đại thọ thất tuần của Người, có tặng mấy câu hàm ý liên hệ đến sự  kiện trên :

Nhân viên tống thực
  Mãnh hổ quy y
  Hiện giới cỗ hy
    Nhân thị vong hình

Tạm dịch:

Vượn người mời ăn
Cọp dữ quy y
Nay tuổi cổ hy
Vẫn quên hình hài

Kính chúc Phật thọ vô lượng

Mặc dầu vấn đề ăn tạm ổn nhưng con người vẫn là con người, những ngày tháng gian  khổ  ấy thật khó khăn nghiệt ngã. Một hôm Người cảm giác trong dạ bồn chồn … bỗng thấy đàn chim bay lượn trên không, đậu lên cây kêu hót như  rất an  nhiên tự  tại. Người nghĩ: “Con  người  là vật linh trong vạn vật, sao lại không sống tự nhiên như chúng. Thế  là Người trút bỏ những u uất trong  lòng, quyết định bắt chước theo chim, tùy thuận thiên  nhiên, tùy duyên tự  tại sống qua ngày.”

8. An củ rễ cây vẫn sống qua ngày

Sau đó, Sư  đào được dưới đất một khối “củ  rễ cây” nặng 5, 6 cân, như  được của báu, trân quý nó vô cùng, mỗi lần chỉ cắt một miếng nhai thật nhuyễn, phần  còn lại đem chôn  xuống đất; tạm đánh lừa cơn đói xong liền trở  lại nhập định, lần xuất định  sau lại ra đào củ  ấy lên ăn một miếng, cứ  đào lên  ăn dần như thế, hết 5-6 cân  củ rễ cây, duy trì thức  ăn đó được vài năm.

Theo lời Sư kể: đào lên ăn một miếng thì phần còn lại đem chôn, một thời gian sau chỗ cắt mọc ra củ mới, do vậy tuy củ chỉ có 5-6 cân nhưng không ngừng sanh trưởng, công cứu giúp của nó thật là to tát.

Vì ở lâu trong núi, món ăn hoang dã trở thành món ăn tự  nhiên, đoạn tuyệt lối ăn  nấu nướng của nhân gian, Sư  hoàn toàn trở  thành người ăn sống theo tự  nhiên. Một bữa nọ, Sư  đang ngồi tham thiền trong động bỗng nghe từ  núi sau vọng lại tiếng kêu la kinh hoàng. Sư vội bước ra xem chuyện gì xảy đến, thấy mấy người tiều phu đứng ở núi sau chỉ chỏ con hổ dưới núi mà la hét. Sư  liền gọi to bảo họ đừng sợ hãi cứ xuống núi tự  nhiên không sao.

Nhưng chẳng ai dám “ hạ sơn” cũng không dám huyên náo nữa. Mọi người vô cùng kinh ngạc nhìn Pháp sư. Sư bàng hoàng nhưng rồi mỉm cười tự nhủ: mình không sợ chứ  làm sao bảo họ không sợ ? Bèn quay về phía hổ nói: “Các con xem đấy, vì kiếp trước các con tạo nghiệp, sân si quá nhiều nên kiếp này mặt mày dữ dằn ai thấy cũng sợ, thôi đi đi !” Nghe Sư nói như  vậy, mấy con hổ biết ý bỏ đi.

Đám tiều phu cần ra chợ gấp, vội vàng xuống núi, mang theo cái mắt thấy tai nghe cùng với củi rừng truyền khắp thành Tuyền Châu. Danh hiệu “ Sư phục hổ ” không chân  mà chạy khắp nơi bắt nguồn từ đó.

Kể từ ngày ấy mỗi lần tiều phu đi qua đều lưu tâm tìm bóng dáng Sư  phụ. Nếu tình cờ gặp được, họ vẫy tay gọi chào. Nhưng có một dạo, lâu lắm họ không trông thấy bóng Người, họ bàn tán xôn xao. Một bác tiều phu tò mò bám theo vách đá leo lên núi, đến trước cửa động thăm dò bên trong, chỉ thấy Sư  nhắm mắt ngồi yên trong tư  thế rất an  nhiên, bác ta không dám gây nhiễu  động, len lén rời xa.

Qua vài ngày nữa cũng chẳng thấy hình bóng Sư  xuất hiện, bác bèn một lần nữa trở lại xem sao, vẫn thấy Sư ngồi yên như  trước. Nhiều lần như thế, trong lòng sinh nghi liền chạy đến chùa Thừa Thiên bẩm báo với Ngài Chuyển Trần. Ngài Chuyển Trần bảo cho biết đó là “nhập định”, bác tiều phu nghe vậy thì hay vậy thôi, rồi cũng không còn lấy làm lạ nữa.

Nhưng hết ngày nọ sang ngày kia … đám tiều phu cảm thấy không yên tâm. Tuy họ quê mùa chẳng biết gì, nhưng ai tin được rằng người không ăn, không cử động mà ngồi lâu đến như vậy. Thế là họ vào động thử gọi Sư, không thấy hồi đáp; sờ vào mũi cũng không thấy hơi thở. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, ai cũng cho rằng Sư đã chết. Có kẻ vội đến chùa Thừa Thiên báo tin lần nữa để  tính việc an táng, phải lo liệu sớm, không thể bỏ mặc Sư  trong chốn núi rừng .

Thông báo đã lâu rồi, trên một trăm hai mươi ngày ! Chính Hoà thượng Chuyển Trần cũng cảm thấy “không ổn” nhưng chẳng dám vội vàng quyết đoán; một mặt sai người lên núi chuẩn bị củi lửa để hỏa táng, một mặt cấp báo với Đại sư  Hoằng Nhất  thỉnh Ngài đến giám định sống chết.

Lúc bấy giờ Đại sư  đang hoằng pháp tại Vĩnh Xuân, tỉnh  Phúc Kiến; nhận  được thư  tín Ngài liền sai người đến ngăn cản, nhất thiết không được hành động vội vàng, chờ  Ngài đến nơi xem xét rồi sẽ quyết định.

(Kính mời quý bạn đọc đón đọc kỳ 5: Búng tay ba lần tránh được việc hỏa thiêu)

Hồi ký về HT Quảng Khâm của Tông Ngang

Dịch giả: Phạm Phú Thành

Nguồn tin: theo hoalinhthoai.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây