Chuyện chưa ai biết về Hòa thượng “Trái cây” - Kỳ 1: “Tìm được bảo vật”

Thứ ba - 23/06/2009 20:51
Theo lời loan truyền, Hòa thượng là một nhân vật truyền kỳ, nhưng khi hội kiến thì thấy bình thường, không có gì khác lạ. Chúng tôi không ngại xa xôi mà đến, nhưng khi trao đổi với Người vài câu đều lấy làm thất vọng. Trong bọn tôi có một anh tự cho mình học rộng biết nhiều, nói : “Hoà thượng già một chữ không biết, có thể dạy được gì!”
1. Gặp Hoà thượng lần đầu tiên. Gặp lần thứ hai như “tìm được bảo vật”.

Tôi  được gặp Hoà thượng lần đầu vào năm 1976. Lúc đó Ngài không giảng dạy gì, chỉ bảo chúng tôi tinh tấn niệm Phật. Người bạn đồng học ở Ban Văn hóa Phương đông thuộc  Trường Đại học Chính Trị cùng đi với tôi cảm thấy vô cùng thất vọng.

Theo lời loan truyền, Hòa thượng là một nhân vật truyền kỳ, nhưng khi hội kiến thì thấy bình thường, không có gì khác lạ. Chúng tôi không ngại xa xôi mà đến, nhưng khi trao đổi với Người vài câu đều lấy làm thất vọng. Trong bọn tôi có một anh tự cho mình học rộng biết nhiều, nói : “Hoà thượng già một chữ  không biết, có thể dạy được gì!”

Chúng tôi mê muội nên trong bụng cũng nghĩ như  vậy, - như  người có mắt hỏi đường người mù thì biết được gì ! Thế là hứng chí khi đến, cụt hứng khi về.

Năm sau tôi tham gia Hội niệm Phật do Hoà thượng Sám Vân tổ chức ở Đài Bắc trong bảy ngày. Ngài Sám Vân rất mực kính trọng Hoà thượng Quảng Khâm. Sau khi mãn khoá niệm Phật, một đoàn đông đảo bảy, tám chục ngừơi lên chùa Thừa Thiên thăm viếng Hoà thượng. ( Lúc bấy giờ chùa Thừa Thiên xây cất rất đơn sơ, chỉ có vài phòng tăng, không huy hoàng tráng lệ  như  ngày nay).

Nơi phương trượng của Hoà thượng, cả trong lẫn ngoài người ta đông nghẹt. Có người đến  để xin chỉ dạy, có người vì hiếu kỳ mà đến, cũng có kẻ lên núi chơi tiện đường ghé lại.

Hòa thượng ngồi trên ghế mây, im lặng ; Pháp sư  Sám Vân bước vào, hướng dẫn đoàn tới đảnh lễ Hoà thượng, sau đó mọi người ngồi xuống trên nền đất. Pháp sư  Sám Vân và Hoà thượng  thăm hỏi nhau xong, cả phượng trượng yên lặng  . . .  Hoà thượng thần sắc tươi vui, có vẻ người rất hài lòng. Thấy tất cả im lặng, người nhìn đại chúng hỏi : “Các vị đã hoàn mãn tuần niệm Phật, đã tìm thấy bảo vật, được của báu nên đưa  ra phụng hiến, .. .  nào nói đi chứ!” 

Nghe Hoà thượng nói như vậy ngừơi này nhìn ngừơi kia như  bảo nhau : được của báu  không phải là tôi, vị nào được của báu vậy ? mau trình ra, không thì thật là xấu hổ ! Sau một hồi đưa mắt hỏi nhau, rốt cuộc chúng tôi – hàng ngay bàn chuyện trời đất, giảng kinh nói pháp làu làu – đến lúc này chẳng ai thốt ra được nửa lời kinh kệ .

Trong khi mọi người im lặng, không khí trở nên nặng nề, bỗng nhiên có tiếng “Nam-mô A-Di-Đà Phật ” từ  miệng một tỳ kheo ni phát ra, mọi người liền quay đầu lại chăm chú nhìn vị tỳ kheo ni trẻ tuổi, xem xem vị thần thánh nào thốt lên như sư tử hống vậy ! Rồi lại đưa mắt nhìn về phía Hoà thượng, xem Ngài ứng xử thế nào. Chỉ thấy Hoà thượng lắc đầu chỉ tay vào một em bé trước mặt nói :

- Câu ấy em bé ba tuổi cũng có thể nói được .

Tiếp đó, không khí trở lại trầm lặng như  trước, chỉ thấy Hoà thượng, qua đôi mắt sáng chiếu tựa hồ  như dò hỏi ai là người giấu của báu mà chẳng trình ra cho người khác xem, - người đó là ai ?

- Nào, nói đi . . .  nói đi chứ !

Hoà thượng như một lão tướng từng trải trăm trận, binh đến dưới thành, lão tướng đích thân chỉ huy. Trước ánh mắt long lanh và giọng nói kiên quyết thúc bách của Hoà thượng ai nấy bặt tiếng như  ve mùa đông, cảm thấy hơi thở mình dồn dập. Lúc ấy tôi mới nhận ra, đây không phải là thư sinh luận chiến mà đúng là giữa chiến trường đầy gươm giáo. Nếu không thực sự  tôi luyện công phu ắt không đủ bản lĩnh để xông pha trận mạc.

Có vị tỳ kheo ngồi phía trước, như  bị Hoà thượng để mắt chú ý làm cho thân thể mất tự  nhiên; vị tỳ kheo động thân … đắn đo vài giây … rồi như  kẻ “ dấu đầu lòi đuôi ”, trình ra bài kệ :

Quá khứ tâm bất khả đắc
Hiện tại tâm bất khả đắc
Vị lai tâm bất khả đắc .

Hòa thượng nghe xong nét mặt vẫn điềm nhiên, nói :

- Chúng ta đóng cửa lại nói với nhau, ta không nên cho rằng chiếc áo này ( Người chỉ chiếc áo tu sỹ trên mình ) tùy tiện mà mặc được, mặc chiếc áo này một cách chân chính không phải là dễ!

Sau đó bầu không khí lại một lần nữa tĩnh lặng. Hòa thượng thấy mọi người không ai còn trình ra của cải gì nữa,  Người vẫn với ánh mắt sáng nhiếp phục, vui vẻ hiền từ nói :

- Người xưa “ đả Phật thất ”  [ niệm Phật bảy ngày ] đúng kỳ thì chứng nghiệm, nếu đúng kỳ hạn mà không chứng nghiệm hoá  ra “ nhờ Phật để có ăn  ” hay sao ? ( tức là mượn  cớ niệm Phật để được ăn cơm) . – Dừng lại vài giây Hoà thượng nói tiếp: “Đả Phật thất ” mà mong được cái gì như vật báu là tham. Mọi người đến đây với tôi, cứ tưởng có được cái gì đó mang về, ấy cũng là tham.”
 
Người chưa dứt lời, tận cuối phòng có hai người rỉ tai nhau, có vẻ như  nói lén rằng “chúng mình không tìm được bảo vật, Hòa thượng bảo đưa bảo vật ra xem, Hòa thượng có bảo vật  mà còn đòi bảo vật của chúng ta, ấy chẳng phải là hai lần tham ? ” Lời rỉ tai vừa xong, Hoà thượng như  biết mà không để ý, nói tiếp :

-  Nếu ai nghe mà hiểu lời tôi nói, thì  bảo vật đặt trước mắt ắt lấy được ngay; còn nghe mà không hiểu, không nhận ra, thì dù có hai tay bưng dâng trước mặt cũng chẳng có được gì . . . 

Hoà thượng nói chưa dứt lời bổng có một người trẻ tuổi nói :

-  Xin thưa, Hòa thượng có lần chuỗi hạt không ?

- Không !
 
Thấy  Hoà thượng không đeo tràng hạt anh ta cụt hứng, nhìn sang Pháp sư  Sám Vân  bên cạnh tay đang lần chuỗi hạt niệm Phật, anh chuyển hướng nhắm mũi tên sang Pháp sư,  lém lỉnh hỏi : “ Thưa Pháp sư, Ngài có lần chuỗi hạt không ? ” – Pháp sư  đáp giọng chắc nịch :

- “Có ! ”

 Anh chàng thanh niên nói một cách tỉnh bơ :

- Ngài cho tôi tràng hạt. – Pháp sư đáp :

- Tôi đang niệm phật, không thể cho anh. Nếu tôi cho anh, anh không được vứt nó đi. – Anh thanh niên chìa tay ra nói xẵng:
- Đưa tràng hạt đây !

 Tiếng nói như còn bên tai, bỗng Hoà thượng chỉ thanh niên bảo :

- Hiện anh đang niệm đấy!

Tức thì anh chàng thanh niên nọ mất hẳn khí sắt kiêu ngạo, im lặng không nói lời nào . 

Hai vị Pháp sư đã đồng diễn “quảng trường thiệt ” [ lưỡi Phật ], từ  không nhập có; từ có nhập không, phối hợp có-không chặt chẽ, sự  việc diễn ra làm cho mọi người vô cùng tán thán .

2. Chúng sanh bệnh, Pháp sư cũng bệnh
 
 Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng. Người không muốn làm náo động đại chúng, tăng chúng khẩn cầu đôi ba lần Người mới miễn cưỡng để cho bác sỹ chẩn đoán.

Sau khi cẩn trọng xem mạch cho Hoà thượng bác sỹ  tỏ vẻ rất ngạc nhiên, ông ta bắt mạch  nhiều lần…, vừa như lắng nghe vừa như  trầm ngâm suy nghĩ, cuối cùng phát biểu : “Mạch của Hòa thượng hoàn toàn không giống mạch người thường, nhưng không chẩn đoán ra bệnh gì”. Hòa thượng mỉm cười chỉ chúng đệ tử đang quỳ trước mặt, nói với lương y :

- Họ đều có bệnh, tiện thể nhờ xem mạch cho họ luôn.

Ai nấy đều lấy làm lạ nhìn Hoà thượng, nhưng cùng mỉm cười cảm thấy trong lòng bớt lo. Sự việc có vẻ giống như  trong kinh Tịnh Danh, khi ngài cư sỹ Duy Ma nói : “Chúng sanh có bệnh, tôi cũng có bệnh ! ”. Theo lời vị Pháp sư  trong chùa thì Hoà thượng có lần bảo rằng khi Người vãng sanh Người sẽ thị  hiện bệnh tướng, cõi Ta-bà quá khổ, chần  chừ  ở đây chịu sao nổi?”

Nghe tin Hoà thựơng bệnh, mọi người theo nhau lên núi thăm. Pháp sư  Sám Vân  cùng chúng đệ tử  cũng vội vàng lên núi “ thỉnh Phật trụ thế ”. Khi chúng tôi gặp Hoà thượng thấy Người đang ho từng cơn, ho xong lại khạc nhổ, nhưng chẳng thấy nhổ ra vật gì. Có lúc Người nói một câu mà phải dừng ngắt mấy lần, cơ thể rung giật theo từng cơn ho, ai nhìn thấy cũng xót xa.

Ngài Sám Vân và đại chúng đồng thanh khẩn cầu Hoà thượng từ  bi nghĩ đến chúng sanh đau khổ, trụ  thế  thêm vài năm nữa. Hoà thượng nói Người không thể tự  làm chủ  được, thân xác Người như  ngôi nhà gạch mục nát, dù có gắng gượng duy trì thì chỉ một cơn gió to ập đến cũng không thể nào chịu nổi, chi bằng đi sớm một chút, hoán chuyển một thân thể  “chắc như  xi măng cốt thép” mà trở lại mới có thể hoằng pháp lợi sanh.

Nghe thế  ai cũng hết sức năn nỉ, vì nếu Người có trở lại thì  ít nhất cũng phải mất hai mươi năm, trong hai mươi năm ấy chúng sanh biết nương tựa vào ai; thiết tha xin Người ở lại thêm vài năm nữa. Hoà thượng bảo đơn điền của Người đã hết khí lực, nói không ra tiếng mong gì đáp ứng nhu cầu của chúng sanh, gắng gượng ở lại cũng vô nghĩa. Mọi người lại van xin Hoà thượng lưu lại, chỉ cần Người yên tĩnh ngồi đó, vô hình trung  cũng đủ làm tăng  trưởng niềm tin cho đại chúng.

Cứ như thế, mỗi người góp một câu… cho đến giờ  ngọ trai mà Người vẫn tỏ ý không trụ thế nữa. Pháp sư  Sám Vân  quyết định tổ chức “ Tuần niệm Phật Dược Sư  tiêu tai diên thọ ” (Tiêu tai diên thọ Dược Sư Phật Thất ) tại chùa Thừa Thiên  để cầu an cho Hoà thượng, sau đó Pháp sư  bước vội sang trai đường .
     
Trong lòng ai nấy đều mang tâm trạng bất an. Thế rồi đang giữa giờ cơm, một vị tỳ kheo ni vẻ mặt hớn hở tới trước ngài Sám Vân thưa nhanh : “Kính bạch Pháp sư, Hoà thượng nhận lời không đi, lại còn mời Pháp sư  khai khoá ‘ Đả Phật Thất  ‘ [ Tuần niệm Phật bảy ngày ], có điều là Hoà thượng bảo tốt nhất nên khai khoá niệm Phật A-Di-Đà.”

Mọi người nghe nói đều mừng rỡ, bất luận là khoá lễ niệm Phật Dược Sư  hay niệm Phật A-Di-Đà đều được cả, miễn sao Hoà thượng chịu ở lại là qúy nhất. Lúc ấy ai cũng ăn  ngon  miệng, trút hết nỗi ưu uất bất an từ trước. Có người sốt ruột, lên lầu xem bệnh tình Hoà thượng thế nào, thấy Người đang ung dung đi tản bộ bên ngoài phương trượng . . . 

Đó là nhân duyên Pháp sư  Sám Vân mở  “ Tuần niệm Phật ” ở chùa Thừa Thiên  và cũng là nhân duyên chúng tôi được gần gũi Hoà thượng, được biết thêm về cuộc đời của Người.

(Kính mời quý bạn đọc đón đọc kỳ 2: Một cuộc lữ hành gian nan)

Nguồn tin: theo hoalinhthoai.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây