Chuyện ít người biết về xá lợi Phật - Kỳ 2: Những linh ứng bất khả tư nghì

Chủ nhật - 14/06/2009 08:00
Tôn Hạo muốn phá bỏ tháp thờ xá lợi Phật do cha mình (Tôn Quyền) phát tâm dựng nên. Hay tin ấy, nhiều vị tâu vua chớ khinh suất vì xá lợi do Khương Tăng Hội cầu nguyện cảm ứng là điềm lành hy hữu của nước Ngô, mà “Phật là vị đạo sư của chư thiên trên trời lẫn loài người dưới thế, nên xin nhà vua hãy cẩn trọng đừng đập phá, sợ sẽ động đến mệnh nước và ngôi thiên tử”.

Nghe lời tấu trên, Tôn Hạo chùn tay lại, sai một người “có tài ăn nói lưu loát, bắt bẻ ngọn ngành” là Trương Dục đến chùa Kiến Sơ gặp Khương Tăng Hội để chất vấn về ngọc xá lợi và Phật pháp. Hai người đàm đạo suốt ngày, Hội giải thích và đối đáp trôi chảy, khiến Dục tâm phục, hỏi thêm: “Sát cổng chùa có ngôi miếu thờ dâm từ trái với Phật pháp sao chưa đập phá?”. Hội đáp:

- Khi sấm sét vang dậy, sức nổ đánh sập cả ngọn núi lớn, nhưng người điếc không nghe tiếng sấm ấy, không phải vì thế mà tiếng sét bị nhỏ đi. Thưa ngài, cũng vậy, giáo lý nhà Phật rất sâu mầu, nếu có kẻ tăm tối không rõ chánh pháp thì chánh pháp vẫn không vì thế bị lu mờ theo. Nay dâm từ ở cạnh chùa, chùa không vì thế mà mất chân pháp...

Nhớ lời đáp ấy, Trương Dục đem về tâu với Tôn Hạo. Hạo ngẫm nghĩ nghĩa thâm diệu, mới quyết định không đập phá chùa tháp nữa. Khi Tôn Hạo ngã bệnh (như viết ở kỳ trước), cho người cầu đảo khắp miếu đường không lành, phải đem tượng Phật đặt lên điện lễ bái, sám hối ngày đêm và lấy nước thơm rửa tượng mấy chục lần, cơn đau mới giảm dần. Khương Tăng Hội vào cung thuyết pháp cho Hạo, đến đoạn nói người tu hành đi, đứng, nằm, ngồi (tứ oai nghi) đều nghĩ đến nỗi khổ của chúng sinh để cứu vớt, Hạo cảm động thấu tim, mới xin quy y tam bảo (là ba ngôi cao quý: Phật, pháp và tăng). Quy y được 10 ngày, bệnh lành, Tôn Hạo xuống lệnh tu sửa chùa Kiến Sơ rỡ ràng trang nghiêm hơn nữa và bảo các tôn thất quần thần phải phụng thờ chư Phật, ai nấy đều tuân theo.

Sống và truyền pháp như thế trên đất Hoa hơn 30 năm, Khương Tăng Hội đã viên tịch năm 280, để lại nhiều công trình dịch kinh, dựng chùa, xây tháp thờ xá lợi. Đến đời Đường, ngài Huyền Trang sau chuyến Tây du mang về 150 viên ngọc xá lợi Phật và rất nhiều kinh tiếng Phạn để phiên dịch sang tiếng Hán, người ta đã vẽ trên tường của Viện phiên kinh ở chùa Đại Từ Ân các dịch giả kinh Phật trước đó, trong đó có tượng Khương Tăng Hội.

Ngài là một thiền sư Việt Nam, song tác giả người Trung Quốc (như Tỉnh Mại) khi viết về ngài đã tước bỏ nguồn gốc Việt Nam (người Giao Chỉ) của ngài, để thay vào đó “quốc tịch” Trung Hoa, cụ thể viết: “Khương Tăng Hội là trưởng tử của đại thừa tướng nước Khương Cư”. Sự thật không phải như thế và nguồn gốc Việt Nam của ngài Khương Tăng Hội đã được các thiền sư cũng như nhiều nhà nghiên cứu Phật học nước ta truy nguyên, như thiền sư Thích Nhất Hạnh (Nguyễn Lang) khẳng định: “Tăng Hội chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ. Cha và mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi (...) lớn lên ông đi xuất gia và tu học rất tinh tiến”.

Còn học giả Lê Mạnh Thát cũng nêu rõ: “Tổ tiên Khương Tăng Hội gốc người Khương Cư (Sogdiane), nhưng đã mấy đời đến ở Ấn Độ, tới thời cha Hội vì buôn bán lại di cư sang nước ta và sinh sống tại Giao Chỉ (...). Qua các tác phẩm (của Khương Tăng Hội) để lại có nhiều dấu vết chứng tỏ Hội đã chịu ảnh hưởng truyền thống Lạc Việt một cách sâu đậm.

Một là, về mặt ngôn ngữ, hiện nay Lục độ tập kinh (một dịch bản của Khương Tăng Hội) chứa đựng nhiều cấu trúc mang ngữ pháp tiếng Việt cổ, mà ngoài lý do Hội phải dùng một nguyên bản tiếng Việt, còn có yếu tố thói quen ngôn ngữ hình thành từ chính mẹ đẻ (người Việt) của mình mới mạnh mẽ như thế để có thể lưu lại dấu ấn trong tác phẩm. Hai là, về nội dung và tư tưởng, Khương Tăng Hội đã chứng tỏ một lòng yêu mến tha thiết truyền thống văn hóa người Việt đến nỗi truyền thuyết Trăm trứng - một truyền thuyết đặc biệt Việt Nam - nói về nguồn gốc của dân tộc Việt, vẫn không bị Khương Tăng Hội cải biên”.

Sử sách ở Trung Quốc và Việt Namđều ghi chép Khương Tăng Hội là một vị sư “hiểu rõ ba tạng (Kinh, Luật, Luận của Phật giáo), xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vĩ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, viết văn rành rõi”. Vậy một thiền sư, một bậc học giả lớn như Khương Tăng Hội trưởng thành từ Việt Nam (Giao Chỉ) với bản lĩnh như thế, chứng tỏ lúc ấy nước ta đã có một nền văn hóa và giáo dục vững chắc như Lê Mạnh Thát kết luận: “Có thể nói Khương Tăng Hội là một thành tựu đầu tiên và xuất sắc của nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, khác hẳn các sản phẩm của nền giáo dục nô dịch Trung Quốc đang hoạt động mạnh mẽ vào thời đó (thế kỷ thứ 3)...”.

Khoảng 46 năm sau ngày Khương Tăng Hội qua đời, tháp thờ xá lợi do ngài dựng nên bị Tô Tuấn đốt cháy, sau được Tư không Hà Sung dựng lại và tướng Triệu Dụ đứng dưới tháp thách thức: “Ta nghe từ lâu tháp này phóng ra ánh sáng năm màu rực rỡ, ta cho đó là lời thêm thắt hư ngụy không có thật, ta không tin, nếu ngay bây giờ ta thấy ánh sáng ấy mới tin”. Chưa dứt lời, tháp xá lợi đã phóng quang bừng sáng cả chùa.

Dụ lóa mắt, rợn tóc gáy, lập tức sai dựng thêm một tháp nhỏ và vẽ hình Khương Tăng Hội lưu truyền. Hơn 700 năm sau, ở Việt Nam, chuyện lạ thứ hai lại xuất hiện khi người ta thấy một luồng ánh sáng chói chang đột nhiên phóng lên từ đất chùa Pháp Vân. Đào xuống chỗ phát nguồn sáng ấy, lấy lên được một hòm xá lợi Phật còn nguyên, với màu ngũ sắc lung linh như vừa từ lửa đỏ đem ra. Việc ấy thế nào? (Còn tiếp).

Nguồn tin: theo thanhnien

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây