Chuyện chưa ai biết về Hòa thượng “Trái cây” - Kỳ 5: “Búng tay ba lần tránh được việc hỏa thiêu”

Thứ tư - 01/07/2009 21:46
Lúc bấy giờ đúng vào năm 1945, năm kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Người đã 55 tuổi. Sau khi Người trở về chùa Thừa Thiên, tự nhiên nổi lên dư luận xôn xao trong đại chúng, có người nhìn “con người sơn động” quần áo lam lũ trước mặt mình với đôi mắt hiếu kỳ, có kẻ nhìn bằng đôi mắt hoài nghi; thử hỏi con người tầm thường, mặt mày trông chẳng có gì gọi là thoát tục như Sư làm sao có thể chứng ngộ một cách siêu việt ?
9. Đại sư Hoằng Nhất búng tay ba lần tránh được việc hỏa thiêu

Sau khi Đại sư Hoằng Nhất đến chùa Thừa Thiên  liền cùng với Hoà thượng Chuyển Trần dẫn một số người lên núi. Ngài vào trong động xem xét kỹ lưỡng, nét mặt  nghiêm trang, tán thán: “Cảnh định này các bậc Đại Đức từ xưa đến  nay rất hiếm có,” liền  đến trước Sư, khẻ búng ngón tay ba lần.

Mọi người theo gót Hòa thượng Chuyển Trần hướng về phía động đá Bích Tiêu tham quan. Động Bích Tiêu là nơi ẩn tu của Lão Hoà thượng Hoằng Nhân, - Pháp sư  của Ngài Quảng Khâm. Lão Hoà thượng và Ngài đã cùng hẹn nhau tu khổ hạnh tại núi này; một người tu thiền ở động phía dưới núi, một người tu niệm Phật ở động phía trên. Mọi người lên tới động Bích Tiêu, trong lúc pha trà chưa xong thì Sư  đã xuất định, đi lên núi ra mắt đảnh lễ Đại sư Hoằng Nhất, Hoà thượng Chuyển Trần và Hoà thượng Hoằng Nhân.

Ngài Hoằng Nhất khiêm tốn không tự  cho là trưởng bối, cũng đáp lễ lại với Sư. Sư  nói: “Đại Sư đến đây, xin được biết có điều gì dạy bảo ? ” Ngài Hoằng Nhất  trả lời: “Không dám! Không dám! Phiền nhiễu việc tu hành của Sư, thật đắc tội”. Cùng  nhau hàn huyên một lúc, Ngài Hoằng Nhất thấy sự tình đã xong ổn nói với Sư: “Ở đây chẳng có việc gì, xin  thỉnh Sư  trở  lại an nghỉ.”

Suýt chút nữa ngọn lửa lấy đi sinh mạng. Đại định chấn động thế gian, chỉ đôi câu nói giản đơn và mọi sự trôi qua. Ngài Hoằng Nhất ngại làm phiền thêm việc tu hành của Sư, bèn lần theo con đường nhỏ ở núi sau, đi vòng ra khỏi núi. Quả là từ xưa đến nay những  bậc đại đức  tu hành đều giản đơn  thuần phác như vậy, khiêm cẩn mà chu đáo.

Sư từ sau lần nhập đại định ấy vẫn nhất mực sách tấn, nổ lực tham thiền cho đến khi chứng đạo, ở trong động trước sau mười ba năm. Đối với nhiều người, đừng nói chi sống một mình gian khổ 13 năm trong núi, ngay ở trong nhà đầy đủ tiện nghi mà một mình đối diện với chính  mình, cô tịch trong vòng một ngày đêm cũng đã thấy rất bực bội, huống gì một mình ngồi  trong động núi hoang vắng suốt 13 năm?

Chỉ xét về cái năng lực chịu nổi sự vắng lặng đã là điều  mà hạng phàm phu chúng ta không thể  tưởng tượng. Lại còn nội tâm thể nghiệm cả một quá trình chịu đựng cái khó chịu đựng, làm nổi cái khó làm. Dĩ nhiên, cảnh  giới chứng đắc trong đó Pháp sư  tự  tại an lạc trong pháp hỷ đâu phải là cái cảnh mà chúng ta có thể hình dung được, và chúng ta cũng không có cách gì cùng chia sẻ với Người. Ấy là cái phần thưởng đền bù cho công tu khổ  hạnh của Người.

Quy luật trong thiên nhiên xưa nay vốn bình đẳng, cái mất ở chỗ này sẽ tìm thấy nó ở nơi khác, không thể cùng một lúc có được cả hai. Việc tu hành cũng vậy, không có bất kỳ tiện nghi  (ưu tiên) nào để mà chiếm, cũng không có chỗ cho sự  xảo trá giả dối; tất cả phải đi từng bước thực  tiễn, cày cấy được bao nhiêu thì thu hoạch được bấy nhiêu.

Sau khi chứng ngộ Người thường suy nghĩ: nếu không xuống núi độ sanh thì cũng giống như cửa động bị đá chắn, dù cho bên trong có vật gì quý báu cũng không đem ra được để cho thế nhân cùng thọ hưởng, cùng lắm là tự  túc cho riêng mình và chỉ làm một con người ích kỷ mà thôi. Như vậy thì không những phụ ơn Phật mà còn trái với thệ  nguyện ban đầu. Thế  là Người kiên quyết dẹp bỏ cái khối đá trong lòng, mạnh dạn hướng về chúng sinh trong biển khổ, làm thuyền từ  hải đăng cứu độ.

Lúc bấy giờ đúng vào năm 1945, năm kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Người đã 55 tuổi. Sau khi Người trở về chùa Thừa Thiên, tự  nhiên nổi lên dư  luận  xôn xao trong đại chúng, có  người nhìn “con người sơn động” quần áo lam lũ trước mặt mình với đôi mắt hiếu kỳ, có kẻ nhìn bằng đôi mắt hoài nghi; thử  hỏi con người tầm thường, mặt mày trông chẳng có gì gọi là thoát tục như Sư làm sao có thể chứng ngộ một cách siêu việt ?

Nhưng đa số đồng đạo nhìn  Sư  với ánh mắt thương cảm và kính phục. Người ta chú ý nhất ở chỗ: áo Sư ba cái vá thành một cái, kín bên này thì trống bên kia, ăn một bữa thay cho ba bữa, mà còn bữa có bữa không; trong lòng ai nấy đều lấy làm cảm khái “tu khổ hạnh đâu phải là chuyện dễ!”

Sư chẳng quan tâm người ta nhìn mình bằng đôi mắt như  thế nào, nói với mình bằng lời nói ra sao; vẫn giữ  thái độ trung hậu, khiêm cung, nét mặt hòa ái với mọi người, không thấy có gì khác biệt khi chưa lên núi và sau khi xuống núi. Sư  vẫn y nhiên làm công việc của mình: ban ngày cùng với đại chúng chấp tác công việc, chiều lại lên chánh điện toạ thiền, an  nhiên tự tại. Nhìn bề ngoài chẳng thấy Sư biểu lộ vẻ gì rạng rỡ sau mười ba năm gột rửa!

10. Bị nghi ngờ mà như  tắm gội gió xuân

Sư trở về chùa Thừa Thiên không được bao lâu, tiền công đức trong Đại Điện bị mất. Khi Thầy giám viện và Thầy phụ trách hương đèn đưa tin đó ra, cả chùa xôn xao. Lúc Sư chưa trở về chùa, số tiền công đức này chưa bao giờ bị mất cả, Sư  về chưa được bao lâu tiền công đức hương đèn nhờ vào đó tăng chúng sinh sống, nay bỗng không cánh mà bay, khiến cho ai nấy đều nghĩ ngay đến Sư Quảng, người hàng đêm ngồi thiền trong chánh điện, nếu có ai lấy trộm thì Sư phải là người hay biết, mà Sư lại không có phản ứng gì, thế thì người lấy trộm tiền công đức  ấy là ai ? Trong lòng mọi người tuy không nói ra nhưng ai cũng khẳng định  được!

Kể từ đó cả chùa từ trên xuống dưới tuy chẳng ai bảo ai, nhưng mỗi lần lên Đại điện hoặc lúc giáp gặp Sư ai cũng nhìn bằng cặp mắt lạnh lùng. Người xưa nói: “Bị muôn  người chỉ mặt không bệnh cũng chết ”. Sống trong hoàn cảnh bị mọi người mặc nhiên ruồng bỏ Sư vẫn không một lời biện bạch, cũng không hề khởi tâm buồn oán bất mãn. Sự  thể như vậy diễn ra hơn một tuần lễ, Sư vẫn tươi tỉnh như  tắm gội gió xuân.

Lúc ấy Thầy giám viện và Thầy hương đăng mới phơi bày sự  thật của công án. Nguyên số tiền công đức bị mất là do hai thầy nghĩ ra để khảo nghiệm Sư Quảng, xem thử 13 năm trên  núi Sư rèn luyện được nhân cách như  thế nào ! Nào ai nghĩ tới, trước sự công phẫn của tăng chúng Sư vẫn an nhiên như tắm gội gió xuân.

Qua sự giải bày của hai thầy, đại chúng ai nấy đều tự  lấy làm xấu hổ. Suốt trên một tuần, kẻ mà ngày ngày bị mọi người khinh rẻ lại là một nhân cách  tuyệt vời, một tăng nhân siêu phàm thoát tục. Mọi người ngoài cái tâm trạng áy náy bất an vì lầm lẫn đáng thẹn nay còn mang lòng kính phục  tán thán bội phần. Phần Sư  thì vẫn thản nhiên tự  tại như chẳng có gì xảy ra, không vì khen chê được mất mà biến đổi dung nhan .

Năm Dân Quốc thứ  35 (1946), sau tiết Đoan Ngọ, một anh họ Lâm người Vĩnh Xuân tỉnh Phúc Kiến đến tham quan chùa Thừa Thiên, vốn có nhân duyên với Sư, Người nói: “Anh  đến Đài Loan dạy học, hãy nên gửi thư cho tôi, Phật giáo Đài Loan bị ảnh  hưởng của Thần Giáo Nhật Bản làm cho không có sự phân biệt giữa tăng và tục. Tôi cũng có nhân duyên với Đài Loan, sẽ sang đó xây dựng đạo tràng, hoá độ chúng sanh.”

Anh Lâm nhận lời ngay và ở lại với Sư một tuần, chuyện trò tâm đắc rồi xin quy y làm đệ tử Người, và phát tâm suốt đời hộ Pháp. Ngày 17 tháng 6, Lâm từ giã Sư để chuẩn bị đi Đài Loan. Lúc chia tay Sư  nói: “Nếu đi không được thì trở lại trò chuyện ”.

Lâm cũng không hiểu tại sao, sau khi từ giã lên tàu cảm giác lời nói của Sư có ẩn ý gì đó. Không ngờ khi thuyền vừa ra biển liền gặp gió bão, không thể ra khơi . . .  Lâm rời thuyền, lập tức đi nhanh đến trình báo với Sư  thì thấy Người đã đứng đợi ở sân thềm trước điện, thấy Lâm đến Sư  cười khà khà nói: “Thầy  biết thế nào con cũng trở lại ”.

Hôm sau Lâm nóng lòng đi Đài Loan, nói với Sư phụ : “ Con thiết tha đi Đài Loan, không biết khi nào thì đi được? ” Sư  bảo: “Chiều ngày 20 lên thuyền, 21 ra biển, ngày 22 có thể đến nơi .”  Trưa ngày 20 quả nhiên Hãng tàu  thông báo chiều tối lên thuyền. Anh  Lâm lại từ giã Sư phụ, Người dặn dò hai ba lần là phải gửi thư liên lạc. Lúc Lâm lên  đường Sư còn chúc “thuận buồm xuôi gió”, về sau quả đúng như lời Sư nói, anh Lâm đến Đài Loan nhanh chóng bình yên.

(Kính mời quý bạn đọc đón đọc kỳ 6: Động Nhật Nguyệt nước phun báo điềm lành)

Hồi ký về HT Quảng Khâm của Tông Ngang

Dịch giả: Phạm Phú Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây