Mở
đầu là chuyện thiền sư Khương Tăng Hội từ Việt Nam chống gậy sang miền Giang Tả
của Trung Quốc để truyền bá Phật pháp cách đây hơn 1.700 năm (vào năm 247 dương
lịch). Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp của nước Ngô (là một trong ba nước chia
nhau thế chân vạc thời Tam Quốc) để dựng am tranh và lập bàn thờ Phật. Thời đó,
tuy đạo Phật đã truyền vào nước Ngô song vì mới manh nha buổi đầu nên người
trong nước còn ngờ vực và rất ngạc nhiên khi thấy một "ông thầy tu"
xuất hiện, họ đã tâu lên với vua là Tôn Quyền rằng: "Có một người ở nước
ngoài mới vào, trông dáng điệu và cách ăn mặc của người ấy khá lập dị, lạ mắt,
vì thế xin nhà vua cho kiểm tra xét hỏi kỹ càng".
Nghe
tâu, Tôn Quyền sai người mời Khương Tăng Hội đến gặp và hỏi: "Đạo Phật có
gì linh nghiệm?". Khương Tăng Hội đáp: "Có ngọc xá lợi Phật".
Tôn Quyền hỏi xá lợi là gì? Ngài giải thích, đại ý xá lợi là phần còn lại sau
khi dùng lửa hỏa thiêu thân của Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngài mới qua đời. Thân
ấy là thân kim cương, không có gì làm hư hoại được, song vì lòng đại bi thương
xót chúng sanh nên Phật đã dùng thần lực khiến nát thành hàng chục vạn hạt ngọc
sáng đẹp li ti để lại cho đời. Ai nhìn thấy và cung kính chiêm ngưỡng, lễ bái
xá lợi, người ấy sẽ được phước lớn. Chính vì vậy, sau ngày Phật tịch diệt khoảng
100 năm, vua A Dục đã tìm kiếm và phân phát xá lợi cho người khắp các phương,
đồng thời ra lệnh xuất vàng bạc trong kho, quyên góp thêm của bá tánh bên
ngoài, để xây tám vạn bốn nghìn tháp thờ xá lợi ở nhiều quốc gia: "Phàm
việc dựng tháp cũng là nhằm giữ gìn ngọc Phật, để làm rõ thêm cho đời sau biết
sự linh ứng của những gì còn sót lại từ thân kim cương bất hoại của đấng chí
tôn". Tôn Quyền vẫn chưa tin hẳn, bảo Khương Tăng Hội:
-
Thầy nói Phật linh ứng thì thầy hãy thử cầu Phật ban xá lợi xuống nơi đây, đem
đến ta xem tận mắt. Nếu thật có xá lợi ta sẽ truyền cho dựng tháp để thờ. Còn
như thầy cầu không có xá lợi tất nhiên thầy sẽ mang tội khinh dối và sẽ bị
trừng phạt nghiêm khắc theo phép nước của ta.
Khương
Tăng Hội đồng ý mở pháp hội cầu xá lợi Phật tại kinh thành Kiến Nghiệp trước sự
chứng kiến của vua tôi nhà Ngô và xin cho 7 ngày để báo kết quả. Liền đó ngài
về am tranh gọi hết các pháp thuộc tức các đệ tử đã đi theo ngài từ Việt Nam
sang đất Ngô thông báo: "Giáo pháp của đức Thích Ca có thịnh hành hoặc bị
gạt bỏ ở đất Ngô này sẽ do chính kết quả của pháp hội lần này quyết định, nên
các ngươi phải chí thành cầu nguyện nếu không về sau hối hận cũng vô ích".
Nói rồi ngài cùng các pháp thuộc rút vào hẳn trong tịnh thất, chay tịnh cả thân
lẫn tâm, nâng chiếc bình rỗng đặt lên bàn thờ, thành kính thắp hương lễ lạy
nguyện cho xá lợi Phật hiện ra trong bình. Nhưng 7 ngày trôi qua không thấy ứng
nghiệm, bình vẫn rỗng không. Ngài bèn xin thêm 7 ngày nữa, vẫn không hiệu
quả...
Tôn Quyền tỏ ý bực dọc nói: "Thật là dối gạt người khác"
và định kết tội ngài. Song ngài lại xin gia hạn lần cuối nữa, thêm 7 ngày tiếp
đó. Tôn Quyền cũng rộng rãi chấp thuận, y theo. Lần này, đến sẩm tối ngày thứ 7
rồi, vẫn chưa thấy động tịnh gì, Tôn Quyền muốn xử tội ngài thích đáng. Ai nấy
đều lo sợ và nghĩ chắc tính mạng của ngài và các đệ tử đã được định đoạt, nhưng
khi tới canh năm, lúc trời mờ mờ sáng, bỗng "nghe có tiếng leng keng,
loảng xoảng trong bình, Khương Tăng Hội đến mở ra xem, thấy có xá lợi hiện ra
trong đó, sáng hôm sau Khương Tăng Hội đem trình cho Tôn Quyền xem. Cả triều
đều tụ lại chiêm ngưỡng và thấy ánh sáng năm màu của xá lợi chói sáng lên quanh
miệng bình rất đẹp. Tôn Quyền tự tay mình nâng bình lên để trút ra chiếc mâm
bằng đồng đặt sẵn. Lạ thay, xá lợi lăn tới đâu thì mâm đồng vỡ nát tới đó".
Đoạn
trích trên đây không phải là lời nói cửa miệng, mà được chính các sách sử Trung
Quốc ghi lại, như Cao tăng truyện của Huệ Hạo (496 - 553) hoặc Xuất tam tạng ký
tập của Tăng Hựu (445 - 518), tham khảo sử sách các triều Tấn, Tống, Tề, Lương,
Ngụy... Riêng Cao tăng truyện ghi lại chi tiết tiếp theo như sau: Khi thấy xá
lợi trút ra lăn vỡ mâm đồng, Tôn Quyền quá đỗi kinh ngạc, nói: "Thật là
điềm lành hiếm có".
Khương
Tăng Hội nói thêm với Tôn Quyền: "Oai thần của xá lợi không chỉ dừng lại ở
những tia sáng ngũ sắc kia đâu. Mà còn ở chỗ đem lửa đốt không cháy, lấy chày
bằng kim cương đập cũng không thể nát". Tôn Quyền sai người làm thử, đặt
xá lợi trên chiếc đe sắt, bảo lực sĩ cầm chày để đập, nhưng xá lợi không hề gì,
mà cả đe sắt lẫn chày đều bị nứt vỡ: "Quyền tận mắt chứng kiến việc ấy nên
thán phục không ngớt, truyền cho dựng tháp để thờ và lập một ngôi chùa gọi là
chùa Kiến Sơ. Chỗ đất ấy về sau gọi là xóm Phật". Và đạo pháp ở Giang Tả
hưng thịnh bắt đầu từ câu chuyện một thiền sư từ Việt
Khi
Tôn Quyền bệnh chết năm 252, nước Ngô trải qua cuộc biến động, đến Tôn Hạo nối
ngôi cha năm 264 muốn hủy báng Phật pháp, sai đem tượng vàng đào được sau hậu
cung đặt ở ngoài trời, lấy nước bẩn tưới lên gọi là "tắm Phật" để đùa
cợt, nhạo báng. Chỉ trong chốc lát, cả mình mẩy Hạo sưng to, bìu đái đau nhức,
gào kêu suốt ngày không bớt, liền cho mời Khương Tăng Hội vào hỏi chuyện. (Còn
tiếp).
Nguồn tin: theo PTVN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự