Ðiều
1: Ðiều thứ nhất trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng: "Nghĩ đến
thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sinh.
Hãy lấy bệnh khổ làm thuốc thần". Tại sao vậy? Bởi vì khi nào con người
còn mang tấm thân tứ đại, thì còn đau khổ vì bệnh tật. Tấm thân tứ đại bao gồm
đất, nước, gió, lửa, thường xuyên chống trái nhau, gây đau đớn, khổ sở cho con
người. Người nào có phúc nhiều thì ít bệnh. Người nào ít phúc, kém phúc, bạc
phúc thì bệnh tật triền miên. Cho đến khi hết duyên ở đời, con người phải ra đi,
nhưng tấm thân tứ đại này thì để lại, tan rả và trở về với tứ đại trong trời
đất. Cát bụi lại trở về với cát bụi, thế thôi. Người nào tạo phúc nhiều thì ra
đi dễ dàng, nhẹ nhàng, êm thắm. Người nào tạo nghiệp nhiều thì ra đi khó khăn,
hành hạ thân xác, khổ lụy người thân!
Con
người không ai mong cầu bệnh khổ, cho dù cầu mong không bệnh khổ, nhưng bệnh
khổ vẫn cứ đến. Nếu không có bệnh khổ, con người khỏe mạnh thường sinh dục vọng
khó kềm chế. Thỏa mãn những dục vọng này, con người gây thêm biết bao nhiêu là
nghiệp báo, để rồi phải đền trả, cho nên phải lăn lộn trong biết bao nhiêu kiếp
luân hồi sinh tử, bao giờ mới có thể dứt, có thể thoát ra được? Bởi vậy cho nên,
Ðức Phật dạy chúng ta đừng cầu không bệnh khổ, nên coi bệnh khổ như là món
thuốc thần, là tiên dược để điều trị những dục vọng trong tâm thức của chúng
ta. Dục vọng càng nhiều chừng nào, con người càng phiền não và khổ đau chừng
ấy. Ðạo Phật là đạo cứu khổ nhân loại. Phật Pháp có công năng điều trị tâm bệnh
của chúng sinh. Chúng sinh có muôn ngàn tâm bệnh thì Phật Pháp có tám muôn bốn
ngàn pháp môn đối trị.
Ðiều
2: Ðiều thứ hai trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng:"Ở đời đừng
cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu xa nổi dậy. Hãy lấy hoạn nạn làm
giải thoát". Tại sao vậy? Bởi vì van xin cầu khẩn thực sự có được gì đâu.
Con người kiếp trước tạo ít phúc báo, gây nhiều nghiệp báo, cho nên cuộc sống kiếp
này mới gặp nhiều hoạn nạn, bất trắc, bất như ý.
Muốn
cuộc sống bớt hoạn nạn, vui nhiều hơn khổ, con người cần tích cực tu tâm dưỡng
tính, làm phúc tạo phúc kiếm phúc nhiều hơn, đừng làm người khác đau khổ, dù
bằng hành động, lời nói hay ngay cả trong ý nghĩ cũng vậy. Chúng ta nên nhớ
rằng: chỉ có phúc báo mới có thể che chở chúng ta qua những cơn hoạn nạn mà
thôi. Không có Trời Phật nào cứu chúng ta khi gặp hoạn nạn đâu. Cũng như chỉ có
chiếc ghe mới có thể chở chúng ta qua sông mà không bị thấm nước vậy.
Con
người không ai cầu mong hoạn nạn, cho dù mong cầu không hoạn nạn, nhưng hoạn
nạn vẫn cứ tới, nguyên do là chúng ta phải đền trả những nghiệp báo đã tạo từ
trước, không ai có thể tránh khỏi. Những người nào sống ở trên đời không gặp
hoạn nạn, làm việc gì cũng thành công dễ dàng, người đó thường sinh tâm kiêu
căng, ngạo mạn, phách lối, tiêu xài xa xỉ, khinh thường thế nhân, nghi kỵ mọi
người, khiến mọi người xa lánh, không ai muốn gần gũi, thân cận, vì chẳng ích
lợi gì.
Khi
gặp hoạn nạn, con người thường không còn tâm kiêu căng, vì kiêu căng thì gặp
nạn, không còn xa hoa phung phí, tâm không còn duyên theo cảnh trần, không còn
dễ nổi lòng tham lam, không còn dễ sân hận, không còn si mê lầm lẫn, bởi vì
tham thì gặp nạn, sân thì gặp nạn, ngu thì gặp nạn! Nghĩa là hoạn nạn giúp cho
con người sớm giải thoát khỏi những trói buộc của tham lam, sân hận, si mê, ngã
mạn, nghi kỵ, chính là nghĩa đó vậy.
Hơn
nữa, trong cuộc sống phức tạp, nhiều khi gặp hoạn nạn này, có thể chúng ta
tránh được hoạn nạn khác lớn hơn. Thí dụ như có người vì thua bạc nên mất vé
tàu đi du lịch, cho nên thoát chết, vì chuyến tàu đó bị chìm đắm ngoài biển
khơi! Nghĩa là có khi trong hoạn nạn, chúng ta có thể tìm được sự may mắn, hay
bài học, hoặc kinh nghiệm nào đó vậy. Không có chuyện gì hoàn toàn xui xẻo,
không có chuyện gì hoàn toàn may mắn cả.
Chẳng
hạn như trúng số độc đắc có thể giúp chúng ta mua nhà, tậu xe, làm ăn buôn bán,
cũng có thể gây bất hòa trong gia đạo, làm cho gia đình tan nát, hay trộm cướp
viếng thăm, hoặc mừng quá nghỉ thở luôn! Chẳng hạn như tù tội gian khổ, đối với
bậc thánh nhân, phi phàm, là cơ hội tốt nhất để rèn luyện tâm tính, để suy tư
sáng tác những tác phẩm để đời! Biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, hiền triết trên thế
giới xuất thân từ ngục tù! Còn đối với kẻ hèn yếu, hoạn nạn chính là địa ngục
trần gian, nhận chìm họ trong biển khổ đau, phiền não!
Ðiều
3: Ðiều thứ ba trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng:"Cứu xét tâm
tính thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
Hãy lấy khúc mắc làm thú vị". Tại sao vậy? Bởi vì tâm tính của chúng ta,
vì duyên theo cảnh trần, cho nên không cố định, thường xuyên thay đổi. Gặp cảnh
thuận lòng vừa ý, tâm trạng của chúng ta vui tươi, hớn hở, hỷ hạ, hân hoan, hài
lòng.
Gặp
cảnh trái tai gai mắt, tâm trạng của chúng ta nổi sóng gió ngay, nhẹ thì còn
giữ được trong lòng, nặng thì phun ra miệng những cơn bực dọc, tức tối. Gặp đối
phương biết nhẫn nhịn, thì mọi việc còn có thể êm xuôi, qua chuyện. Gặp phải
người cứng cổ, cang cường, ngoan cố, thì câu chuyện không biết sẽ kết thúc như
thế nào? Có thể người đi nhà thương hay vào nhà xác, còn người khác đi nhà tù!
Trong
Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy tâm tính của chúng ta luôn luôn xao
xuyến, loạn động, bất an, được gọi là "vọng tâm", tức là tâm vọng
động vì duyên theo cảnh trần. Lúc tâm trạng buồn thảm, thê lương, thì chúng ta
cảm thấy cảnh vật chung quanh cũng chẳng có gì vui vẻ cả. Trái lại, khi trong
lòng thấy vui, có niềm hoan hỷ, chúng ta cảm thấy cảnh vật chung quanh dường như
đang chia xẻ niềm vui hân hoan đó với chúng ta.
Chính
vọng tâm là căn bản của sinh tử luân hồi. Tại sao vậy? Bởi vì vọng tâm lúc vui
lúc buồn, lúc thương lúc ghét, lúc tốt lúc xấu, lúc nghĩ chuyện đông lúc nghĩ
chuyện tây, lúc nghĩ chuyện hiện tại, lúc nghĩ chuyện quá khứ, vị lai, lúc vầy
lúc khác, lúc có lúc không, lúc còn lúc mất, sinh diệt liên miên trong từng sát
na, trong từng giây phút, ví như con ngựa chạy lung tung linh tinh lang tang
khắp chốn, ví như con vượn chuyền từ cành cây này sang cành cây khác khắp nơi
vậy.
"Vọng
tâm" là động lực chính dẫn dắt chúng sinh tạo nghiệp trong vòng sinh tử luân
hồi. Muốn tâm được an, mỗi khi vọng tâm khởi lên, chúng ta nhận biết ngay, dừng
lại lập tức, đừng theo đuổi nó, thì được giải thoát khỏi những hệ lụy ưu phiền
sau đó, phiền não và khổ đau sẽ không đến! Khi sống ở đời, tiếp xúc với mọi
cảnh, mọi sự, mọi việc, vẫn sinh hoạt như bao nhiêu người khác, nhưng tâm vẫn
như như, an định, không xao xuyến, không loạn động, tức là chúng ta đang sống
trong cảnh giới niết bàn, an lạc, tịch diệt, nói cách khác, lúc đó chúng ta
sống với "chơn tâm" đó vậy. Chơn tâm ví như mặt biển yên lặng, phẳng
lờ, rộng rãi, bao la bát ngát. Vọng tâm ví như những ngọn sóng do gió thổi gây
nên, gió nhẹ sóng nhỏ, gió mạnh sóng to. Sách có câu: Tâm buồn cảnh được vui sao.
Tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an.
Ðiều
4: Ðiều thứ tư trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng: "Xây dựng
đạo hạnh thì đừng cầu không ma chướng, vì không ma chướng thì chí nguyện không
kiên cường. Hãy lấy ma quân làm bạn đạo". Tại sao vậy? Bởi vì ma chướng ở
đây có nghĩa là những lời khen tiếng chê, là danh thơm hay tiếng xấu. Nếu chúng
ta có thể coi những người khen chê như những người giúp đỡ chúng ta trên bước
đường tu tập, rèn luyện tâm tính, thì chính họ là bạn đạo, là thiện hữu tri
thức, là bồ tát nghịch hạnh, là giám khảo trên đường đạo của chúng ta vậy.
Bởi
vì ma chướng ở đây cũng có nghĩa là những sóng gió của cuộc đời, những chuyện
phiền não khổ đau, những chuyện thị phi phải quấy, những chuyện bất trắc bất
như ý, những chuyện lăng xăng lộn xộn hằng ngày. Thông suốt được như vậy, chí
nguyện của chúng ta mới kiên cường, không thoái chuyển, khi gặp lời khen hay
tiếng chê, danh thơm hay tiếng xấu, khi gặp bát phong của cuộc đời, và tâm trí
của chúng ta mới không bị giao động.
Chúng
ta không ai mong cầu ma chướng, cho dù cầu mong không ma chướng, nhưng ma
chướng vẫn cứ tới đều đều. Trên đời này có thiếu gì những kẻ luôn luôn dòm ngó
người khác, để vạch lá tìm sâu, để bới lông tìm vết, trong khi bản thân họ thì
đủ thứ thói hư tật xấu. Trong Kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ Huệ Năng có dạy: "Khi
lên tiếng phê bình lỗi của người khác, thì lỗi của mình đã ở ngay bên chân rồi
đó vậy".
Tuy
nhiên, dù ma chướng có tới thường xuyên cở nào, nếu biết tu tâm dưỡng tính,
chúng ta cũng có thể chấp nhận được, chịu đựng được, coi đó như là những thử
thách cần thiết để nhắc nhở chúng ta rèn luyện tâm tính, chuyển hóa cuộc sống
từ phiền não khổ đau thành an lạc hạnh phúc. Sách có câu: "Ví phỏng đường
đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai", chính là nghĩa đó vậy.
Ðiều
5: Ðiều thứ năm trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng: "Việc làm
đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường kiêu ngạo. Hãy lấy
khó khăn làm thích thú". Tại sao vậy? Bởi vì việc làm nào càng khó khăn,
càng gian khổ bao nhiêu, mà chúng ta có thể vượt qua, đạt được thành công,
thắng lợi, thì việc làm đó càng vinh quang, hiển hách bấy nhiêu.
Chẳng
hạn như bài toán càng khó khăn bao nhiêu, khi giải được, tìm được kết quả, càng
thích thú bấy nhiêu. Việc làm nào dễ thành chỉ là những việc làm tầm thường,
không có giá trị cao, hoặc người thực hiện có thừa khả năng, cho nên dễ sinh ra
khinh thường mọi việc, kiêu ngạo, coi trời bằng nắp vung.
Ở trên
thế gian có nhiều việc rất khó khăn, ít người thành đạt, chẳng hạn như thi đậu
bằng cấp này, bằng cấp kia, tìm ra món thuốc điều trị mới, phát minh ra máy móc
hiện đại, tối tân, sáng chế ra cách thức làm việc khoa học hơn, đem lại năng
xuất cao hơn. Các bậc anh hùng cứu quốc, có thể đem lại độc lập, tự do, no ấm
cho một dân tộc, không phải ai ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng.
Trên
phương diện xuất thế gian, việc tu tâm dưỡng tính cũng vậy, nếu ai ai tu tập sơ
sài, cũng có thể thành Phật được, thì quả vị Phật đâu còn giá trị bao nhiêu.
Một vị Phật ra đời đem lại phúc báu, ích lợi cho biết bao nhiêu chúng sinh,
trong biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, không thể nghĩ bàn. Có những người tu
hành đạt được vài thành quả nhỏ nhoi, cũng tưởng đâu đã thành Phật, thành thánh
nhân, không ai bằng!
Ðiều
6: Ðiều thứ sáu trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng: "Giao tiếp
thì đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa. Hãy lấy kẻ tệ bạc làm
người giúp đỡ". Tại sao vậy? Bởi vì những mối lợi, dù nhỏ dù lớn, trên thế
gian, cũng đều là những mục tiêu tranh giành, chiếm đoạt của bao nhiêu người. Người
đời thường không ngại dùng đủ mọi thủ đoạn, để tranh danh đoạt lợi, cho nên bất
chấp đạo nghĩa, luân lý, tình thương, quan hệ. Con người sẵn sàng thượng đội hạ
đạp, chà đạp mọi người chung quanh, chỉ vì chút danh lợi nhỏ nhoi.
Danh
lợi ở đời ví như những miếng mồi câu cá. Cá nhỏ tới ăn miếng mồi liền bị cá lớn
đớp gọn! Cá lớn đớp cá nhỏ xong, thì bị lưới lên ghe ngay tức thì! Có người
chán danh lợi thế gian, hoặc không đủ khả năng tranh đua, kiếm sống ngoài đời,
bèn đi tìm danh lợi trong chốn thiền môn! Thiệt là tội nghiệp!
Trong
Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Khi tới ngã ba đường, nếu thấy cái cây đầy
trái chín mọng, không ai hái ăn, thì nên hiểu rằng đó là trái độc". Nghĩa
là ở đời không có mối lợi lớn nhỏ nào dành sẵn cho mình hưởng, hay người khác
đem dâng tặng mình, mà không có cái bẫy rập độc hại bên trong, bên dưới, hay
phía sau, chờ đợi người tham lam, mê muội, thiếu suy nghĩ. Người đời thường thả
con tép để bắt con tôm. Người nào tham lợi lớn, ham lời nhiều, thường hay bị
lợi dụng, bị sập bẫy một cách dễ dàng, ví như cá thường hay cắn câu vậy. Cũng
như những người không cố gắng tu tâm dưỡng tính, không chịu học hiểu Chính
Pháp, không làm lợi ích gì cho chúng sinh, cho đạo pháp, chỉ tham danh lợi,
thích sự sung sướng, thì quả báo, nghiệp báo tới liền sau đó.
Trong
phạm vi gia đình, nếu vợ chồng con cái giao tiếp với nhau hằng ngày mà không
biết thương yêu nhau, không biết nghĩ đến nhau, không biết hy sinh cho nhau,
người nào cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng mình, chỉ nghĩ đến sự sung sướng
bản thân, thì còn gì là đạo nghĩa vợ chồng, còn gì là tình cha con, còn gì là
mẫu tử tình thâm, còn gì gọi là hạnh phúc gia đình?
Trong
phạm vi xã hội, trong lúc giao thiệp tiếp xúc hằng ngày, người nào chỉ nghĩ
đến, chỉ mong cầu lợi mình, bất chấp hại người, người đó làm sao sống hòa
thuận, yên ổn, vui vẻ với những người chung quanh? Người quá ích kỷ như vậy làm
sao kết bạn được với ai, làm sao sống cuộc đời hạnh phúc? Hạnh phúc thực sự chỉ
có với những người biết hai chữ "hy sinh" mà thôi. Trong cuộc đời,
những kẻ ích kỷ, tệ bạc, chỉ biết lợi mình, bất chấp hại người, chẳng kể nhân
tình, chẳng màng đạo nghĩa, nhiều không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Nhưng
chính những người như vậy lại là kẻ giúp đỡ người biết tu tâm dưỡng tính, để
rèn luyện tâm tính của mình. Có gặp những kẻ tệ bạc như vậy mà tâm trí của
chúng ta vẫn như như, bất động, bình tỉnh, thản nhiên, mới biết được công phu
tu tập của mình đến đâu.
Nếu
tất cả mọi người đều tốt, đều hiền thiện, đều biết đạo nghĩa, thì chúng ta đâu
biết tâm mình ra sao? Bởi vậy cho nên, người nào thực sự muốn phát tâm tu học,
thì ngay cuộc đời này, ngay cõi ta bà ngũ trược ác thế này, chính là trường tu
tốt nhất vậy, không cần phải đợi vãng sinh tây phương cực lạc mới chịu bắt đầu
tu. Tại sao vậy? Bởi vì cõi tây phương cực lạc, như Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni
dạy trong Kinh A Di Ðà, là nơi chỉ toàn bậc thánh nhân, chư thượng thiện nhân
câu hội, đâu cần phải tu làm gì nữa, đâu có chỗ chứa hạng phàm phu không chịu
tu!
Ðiều
7: Ðiều thứ bảy trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng:"Với người
thì đừng mong tất cả thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất
kiêu căng. Hãy lấy người chống đối làm nơi giao du". Tại sao vậy? Bởi vì
sách có câu "năm người mười ý", đâu ai có ý kiến giống ai, mỗi người
thường có ít nhất hai ý kiến trong cùng một vấn đề, nay vầy mai khác, thì làm
sao bắt buộc người khác phải thuận theo ý mình? Tại sao mình lại không thuận
theo ý người khác? Con người vì sự cố chấp, chấp chặt như vậy cho nên phiền não
và khổ đau dài dài!
Trong
gia đình, nếu người chồng hay người vợ cố chấp, bảo thủ ý kiến của riêng mình,
thì làm sao gia đình đó có hạnh phúc được? Cái gì của mình cũng đúng, cũng hay,
cũng nhất cả, thì làm sao chịu nghe ý kiến của người khác? Cha mẹ và con cái
thuộc hai thế hệ khác nhau, thì tức nhiên ý kiến, suy nghĩ, hoàn cảnh, môi
trường sinh hoạt, tất cả đều khác nhau, không thể khai trừ nhau, cho nên phải
tùy thuận nhau mà sống, mới có được hạnh phúc trong gia đình.
Trong
thập đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, điều thứ chín dạy: "Hằng thuận chúng
sinh", chính là nghĩa đó vậy. Tuy nhiên, tùy thuận chúng sinh không có nghĩa
là một người trong gia đình có lòng tham lam, xúi giục cả gia đình tham lam
theo, bất chấp thủ đoạn, lợi mình hại người!
Trong
phạm vi xuất thế gian, người tu theo pháp môn này chê bai pháp môn khác cũng
đều không đúng. Tại sao vậy? Bởi vì đạo Phật có nhiều pháp môn tương ứng, thích
hợp, tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, sở thích của mỗi người, để mọi người
đều có thể tu tập được. Chúng ta không nên nghĩ mọi người phải tu như mình,
hành như mình, mới là đúng. Ý nghĩ như vậy, tư tưởng như vậy chỉ làm cho chúng
ta càng ngày càng trở nên kiêu căng, phách lối, ngạo mạn, chê người, khinh đời.
Trái
lại, chúng ta nên giao du với những người chống đối, trái ý, để luôn luôn suy
xét, hoàn chỉnh ý kiến của mình, chuyển hóa tâm tính của mình, để học hỏi thêm
cái hay cái tốt của họ. Nhờ có những người nghịch ý, chống đối như vậy chúng ta
bớt lòng kiêu căng. Ví như chiếc xe có máy móc để chạy, cũng cần có cái thắng
mới hữu dụng vậy. Nếu không có cái thắng, chắc chắn có ngày cũng lọt xuống hố
mà thôi.
Ðiều
8: Ðiều thứ tám trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng: "Thi ân
đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có ý mưu đồ. Hãy coi thi ân như đôi
dép bỏ". Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta thi ân, làm ơn vì lòng tốt, chứ không
phải vì muốn được cám ơn, nhớ ơn hay đền ơn. Làm ơn mà muốn được cám ơn, muốn
được nhớ ơn, nghĩa là con người còn bản ngã, còn vì danh tiếng mới chịu làm.
Làm ơn mà muốn được đền ơn, nghĩa là con người còn bản ngã, còn vì lợi lộc mới
chịu làm. Làm ơn như vậy chẳng có phúc báu gì, chẳng được người khác mang ơn,
mà còn chuốc lấy oán hờn, thù ghét, chuốc lấy ưu phiền, bực tức, khi gặp mặt kẻ
vô ơn, bạc nghĩa. Làm ơn như vậy rõ ràng là có mưu đồ, làm ơn thì ít, mà muốn
được đền ơn gấp bội phần.
Chẳng
hạn như khi đến phúng điếu, giúp đỡ tang quyến người khác chẳng bao nhiêu, lại
muốn được "trả công bội hậu" ở nước thiên đàng, thì quả là tham lam
quá xá.
Trong
Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Thi ân, bố thí bất trụ tướng, phúc đức
bất khả tư lượng". Nghĩa là chúng ta làm ơn bố thí, nhưng không chấp mình
là người ban ơn làm phúc, không thấy có người thọ nhận việc phúc mình làm,
không nhớ mình làm phúc giúp đỡ điều gì, không tính mình giúp đỡ bao nhiêu
người. Ðược như vậy, chúng ta sẽ ăn ngon ngủ yên, tâm trí không bất an vì những
chuyện phúc đã làm, vì gặp những người vô ơn, không tiếc nuối những vật đã đem
cho, không ân hận đã giúp đỡ lầm người.
Làm
ơn có nghĩa là làm phúc, tạo phúc bòn phúc, cứu đời giúp người, khi cần thiết,
lúc hoạn nạn, chỉ vì lòng tốt, vì tâm lượng từ bi, vì muốn chuyển hóa tâm tính
của chính mình, thì như vậy mới có thể làm ơn được lâu dài, giúp được nhiều
người, nhiều lần và phúc báu vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn.
Sách
có câu: "Thi ân bất cầu báo đáp", chính là nghĩa đó vậy. Hàng phục
được tâm ý, chuyển hóa được tính tình như vậy, chúng ta mới có thể phát nguyện
độ tất cả chúng sinh, mà không thấy có chúng sinh nào được độ. Cho nên Ðức Phật
dạy hãy coi thi ân như đôi dép bỏ, làm ơn làm phúc xong rồi thì quên ngay đi,
bỏ qua liền, đừng ghi nhớ trong tâm thức cho thêm phần nặng nề. Ðược như vậy,
chúng ta mau tiến đến chỗ giác ngộ và giải thoát.
Ðiều
9: Ðiều thứ chín trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng: "Thấy lợi
đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động. Hãy lấy sự xả lợi làm vinh
hoa". Tại sao vậy? Bởi vì lợi lộc trên đời thường do tranh đấu, giành
giựt, bon chen, bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp nhân nghĩa, bất chấp đạo lý, mới
có được. Lợi lộc không từ trên trời rơi xuống, không ở dưới đất trồi lên. Khi
thấy có lợi lộc, cả khối người nhào vô, sẵn sàng chà đạp, gạt gẫm, loại trừ,
giết hại lẫn nhau để chiếm đoạt cho bằng được.
Nhiều
khi lợi lộc quá lớn lao, có thể khiến cho con người đánh mất lương tri, sẵn
sàng thanh toán người thân lẫn kẻ thù, chỉ nhằm đoạt được mục tiêu mà thôi.
Chẳng hạn như một thái tử âm mưu sát hại phụ hoàng để chiếm ngai vàng, con cái
giết hại cha mẹ để đoạt gia tài, bạn bè cáo gian để hại nhau, chiếm đoạt tài
sản, vợ con người khác.
Con
người vì ham lợi lộc cho nên chuyện gì cũng dám làm, coi lợi lộc như vinh hoa
phú quí cần phải có trên thế gian, để ngẫng mặt nhìn đời cho có oai phong ngon
lành. Chính vì thế tâm si mê phải động, sai khiến con người làm tất cả mọi
chuyện để thỏa mãn lòng tham lam của mình. Con người khi thấy lợi lộc liền
nhúng tay vào, mà chẳng cần biết hậu quả ra sao? Ðó chính là tâm si mê vậy.
Các
sòng bạc được mở ra khắp nơi, chính là những cái bẩy khổng lồ nuốt tiền của
những người nhẹ dạ ham vui tham tiền, hình như ai ai cũng biết vậy, nhưng người
nào cũng vẫn nuôi hy vọng là mối lợi to lớn ở các sòng bạc đó, biết đâu may mắn
đến với mình, cho nên mạnh mẽ nhào vô lãnh đủ.
Có
nhiều người tán gia bại sản, nợ nần tứ tung, nhưng vẫn không chừa, vẫn không
không biết sợ! Tục ngữ có câu: "Cờ bạc là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết
nợ nần tứ tung". Có cửa nhà để bán trả nợ là còn có phúc đó! Người nào
muốn tu tâm dưỡng tính thì phải xả bỏ tâm tham lợi, tâm si mê, phải biết sống
cuộc đời thiểu dục tri túc, ít muốn và biết thế nào là đủ, tâm mới được khinh
an, thơi thới, nhẹ nhàng, cuộc sống mới được an lạc, cuộc đời mới được hạnh
phúc.
Trong
Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy người biết thế nào là đủ, không tham lợi lộc,
thấy lợi lộc không nhúng tay vào, tuy nằm trên đất nhưng vẫn thấy an lạc hạnh phúc,
bình yên vui vẻ. Chỉ cần "biết" đủ, thì đã quá đủ rồi. Trái lại, người
nào không "biết", thì không bao giờ thấy đủ, tấm thân tuy được ở trên
thiên đường, tiền rừng bạc biển, giàu sang sung sướng, nhưng tâm ý vẫn chưa
thỏa mãn, cố gắng kiếm cho thiệt là nhiều tiền vẫn chưa chịu thôi, chưa chịu
ngưng, chưa chịu an hưởng tuổi già gần đất xa trời. Sách cũng có câu:
Tri
túc tiện túc đãi túc hà thời túc.
Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn.
Nghĩa
là "biết" thế nào là đủ, tức thời được đầy đủ ngay lập tức, không cần
phải đợi đến lúc có thiệt nhiều tiền mới thấy đủ. Bao nhiêu mới gọi là nhiều
đối với người không biết đủ? "Biết" thế nào là nhàn, tức thời được
nhàn nhã ngay lập tức, không cần phải đợi đến già, hay lúc nào hết. Nói tóm gọn
là "biết" đủ thì đủ, "biết" nhàn thì nhàn. Không "biết"
thì cực khổ tấm thân vậy thôi.
Ðiều
10: Ðiều thứ mười trong "Mười Ðiều Tâm Niệm" dạy rằng: "Oan ức
không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả. Hãy lấy oan ức làm cửa
ngõ đạo hạnh". Tại sao vậy? Bởi vì con người kiếp trước tạo ít phúc báo,
gây nhiều nghiệp báo, cho nên kiếp này mới gặp nhiều điều oan ức. Cho nên khi
gặp chuyện oan ức, không cần phải than trời trách đất gì cả. Muốn cuộc sống bớt
những điều oan ức trái ngang, con người cần tích cực tu tâm dưỡng tính, cần cố
gắng làm phúc nhiều hơn, cố tránh đừng gieo tiếng oán, đừng loan truyền tin
đồn, đừng vu oan giá họa, đừng làm đau khổ cho người khác, dù cho đó là kẻ thù
của mình, kẻ mình không ưa cũng vậy.
Người
nào nói xấu mình, mình bèn tìm đủ cách nói xấu lại, cho bỏ ghét. Người nào hại
mình, mình bèn tìm đủ cách hại lại nặng hơn, cho đáng đời. Người nào không chịu
giúp mình, không tốt với mình, mình bèn tìm đủ mọi cách trả thù, cho hả giận,
rỉ tai biêu riếu, vu khống cáo gian, vu oan giá họa, kiện cáo tụng đình, cho
chúng chết luôn, cho chúng mạt luôn, khỏi ngóc lên nổi. Mình cho rằng người ta
xấu xa, người ta ác độc, người ta bất chính, người ta bất lương, người ta bất
thiện, người ta bất nhân, người ta ác đức, người ta dã man, mà mình cũng làm y
như vậy, chỉ khoác danh nghĩa "trả thù", thì mình có khác gì người ta
đâu?
Phản
ứng y chang những điều người đời làm cho mình thực là dễ dàng. Còn như nhịn
được mới thực là khó khăn vô cùng. Nhịn được như vậy chứng tỏ chúng ta không
còn chấp mình nhận chịu khổ đau, không còn chấp người tạo đau khổ cho mình, tức
là chúng ta đã thấu rõ và hành được "giáo lý vô ngã" của đạo Phật.
Trong
giáo lý vô ngã của đạo Phật, không có cái gì là "Ta", nên không có gì
là "của Ta". Ðó chính là triết lý cao thượng vô cùng mà chúng ta cần phải
nghiên cứu, tìm hiểu cho thấu đáo, để khi gặp chuyện oan ức trên thế gian này,
chúng ta vẫn giữ được tâm trí bình tĩnh, thản nhiên. Ðược như vậy, oan ức chính
là cữa ngõ tiến vào con đường đạo hạnh.
Người
nào có nhiều "tự ái", thường cho rằng ta đây là nhất, cái gì của mình
cũng đứng nhất, cái gì liên quan đến mình cũng nhất, chấp nhất từ chuyện lớn
đến chuyện nhỏ nhặt, chẳng bao giờ chịu nghe lời khuyên, thường thấy lỗi lầm
của người khác, không bao giờ cho là mình có lỗi gì cả, bất cứ chuyện gì xảy ra
cũng tìm đủ mọi cách, viện đủ lý lẽ, đổ lỗi người này, đổ thừa người kia, tại
thế này, bị thế khác, chứ không bao giờ tại mình, bởi mình, do mình mà chuyện
sai trái xảy ra cả!
Người
như vậy chính là người có "tâm chấp ngã" quá cao. Cho nên người đó
vẫn còn lẫn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi. Tại sao vậy? Bởi vì những người
như vậy rất nhạy cảm, phản ứng nhanh lẹ, khi tiếp xúc với cảnh trần đời. Một
lời nói vô tình, một ý kiến trái nghịch, một việc làm không vừa ý, một cử chỉ
vụng về của người khác, tất cả đều có thể khiến cho những người như vậy nổi
sân, bực tức, khó chịu, gây gổ, phê phán, bình phẩm, chỉ trích, miệt thị, hơn
thua, sống để dạ, chết mang theo. Nghĩa là vọng tâm của họ khởi lên đều đều mỗi
ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây.
Những
người như vậy thường xuyên sống trong tâm trạng bất an, vọng động, thậm chí đau
khổ nhiều thứ, nhiều mặt bởi vì kho tàng tâm thức chứa nhóm quá nhiều phiền não.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự