Hiểm nguy từ những chuyến đò

Chủ nhật - 08/11/2009 21:51
Sông Kỳ Cùng chia cắt xã Tân Việt, huyện Văn Lãng làm 2 nửa gần như đều nhau. Bên này là trụ sở UBND xã, bên kia là trường học, hàng ngày cán bộ đi làm, học sinh đến trường, nhân dân đi lại đều phải nhờ vào những chiếc bè tạm.

Những người lái bè qua sông cũng chẳng thống kê nổi mỗi ngày mình đi bao nhiêu chuyến và đưa bao nhiêu người qua sông, chỉ biết rằng một ngày làm việc của họ bắt đầu từ tờ mờ sáng và từ đó đến tối mịt là cả một khoảng thời gian dài căng thẳng với những âu lo.

Sợi dây cáp căng ngang qua hai bên bờ sông Kỳ Cùng, đứng trên chiếc bè được kết bằng vài cây tre to, chị Chu Thị Thủy cúi người, gồng mình kéo từ từ, chiếc bè khẽ chòng chành rồi lắc lư trôi qua sông. Ngồi quan sát ở bến đò Nà Lẹng cả buổi sáng, chẳng lúc nào tôi thấy chị được ngơi tay, cũng dễ phải đến gần 3 chục chuyến qua lại đưa người sang sông.

Bước xuống bè, tôi có ý định xin kéo thử, nhưng chị Thủy gạt phắt: Chú chưa quen, ngồi xuống để tôi đưa chú qua sông, có người đã bị cáp gạt xuống sông tử nạn rồi đấy. Nước sông lững lờ trôi, chiếc bè tre cũng dập dềnh sang sông theo tay người điều khiển, tôi ngồi xuống lo lắng, hồi hộp, thỉnh thoảng khẽ nghiêng mình để tránh sợi cáp đánh sang. Chị Thủy, trán lấm tấm mồ hôi, nhưng vẻ mặt vẫn điềm tĩnh, kéo chiếc bè từng chút một, sang bờ bên kia.

Tranh thủ gợi chuyện, tôi được biết, gia đình chị gồm 2 vợ chồng và bố mẹ chồng đã có “thâm niên” kéo đò được 4 năm nay, thay thế cho một gia đình khác đã nghỉ. Công kéo do các gia đình ở 2 bên sông đóng góp, mỗi hộ từ 15-20 kg thóc 1 năm. Tính ra làm việc từ sáng đến tối, mỗi tháng mỗi người trong gia đình cũng có thu nhập xấp xỉ bằng chuẩn nghèo ở nông thôn.

Bác Nguyễn Văn Thậm, bố chồng chị Thủy tâm sự: Vất vả gia đình tôi cũng không ngại, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con là chính, nhưng lo lắm chú ạ, mỗi chuyến đò cập bến an toàn là chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Để bảo đảm an toàn, ước chừng nước lên cao, chúng tôi kiên quyết không trở người qua sông, trẻ em lên bè phải ngồi xuống cách chủ bè xa nhất là 2m, để có bất trắc, có thể kịp xử lý, gì chứ chuyện cả người lẫn xe máy bị rơi xuống sông khi bất cẩn trên bè, năm nào tôi cũng chứng kiến vài vụ, cũng may chưa ai bị sao.      

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt cho biết: Để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân địa phương, toàn xã có 2 bến đò chính và một bến tạm, “trang bị” cũng đều giống như ở bến Nà Lẹng, hàng ngày có trên dưới 50 học sinh và hơn 10 cán bộ xã phải qua sông 4 lần để học tập và làm việc, còn nhân dân đi lại thì nhiều.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn xã đã có 4 người chết đuối khi đi bè qua sông, trong đó có 2 người dân địa phương. Biết là nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người đi qua trên những chiếc bè tạm, mùa nước cạn thì đỡ hơn, còn mùa nước lên, thì đây quả thực là một chuyến đi mạo hiểm đối với cả chủ bè và hành khách, nhưng cách này hiện nay là duy nhất.

Cô giáo Lý Thị Tươi, Hiệu trưởng trường THCS Tân Việt cười buồn: Cả trường THCS và tiểu học Tân Việt có hơn một trăm em học sinh, thì một nửa ở bên kia sông, để đảm bảo an toàn, mùa nước lên phải cho các em nghỉ. Đồng thời tuần nào, sinh hoạt đầu tuần, nhà trường cũng phải nhắc nhở các em cận thận khi qua sông, nếu bè quá tải, nhất định không được lên…

Đã giữa trưa, tiếng học sinh nhốn nháo, như đã quen, chị Thủy lật đật chạy xuống bến để đưa bọn nhóc tan học về nhà. Dường như đã quá quen, chị lẩm nhẩm “điểm danh” khối 9 có 8 đứa, khối 6…không thiếu ai, lũ học sinh cũng lục tục dắt xe đạp xuống, xếp hàng ngay ngắn, rồi im phắc, dù đã quen, nhưng không khí vẫn căng thẳng trước một chuyến vượt sông. Không phải là 1 bè mà lần này phải 2 bè cùng chòng chành sang sông, vì hôm nay các em về cùng một lúc nên hơi đông.

Nhìn 2 chiếc bè cập bến, ông Thậm mới thở phào nói với tôi: Dân mình muốn xin nhà nước xây chiếc cầu ngầm, nhưng cũng biết, còn nhiều nơi nhà nước phải lo, dân mình vẫn đợi, nhưng trước mắt, mình chỉ mơ ước được hỗ trợ chiếc xuồng máy nhỏ, có trang bị áo phao, cặp phao cho khách qua và các em học sinh, như thế có được không, nhà báo? Tôi bối rối, chẳng biết trả lời ra sao, đưa mắt sang bên kia sông, chiếc bè lại chòng chành quay lại với vài hành khách, xe máy, xe đạp… lại thêm một chuyến sang sông mạo hiểm.

Nguồn tin: baolangson

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây