LĐNT Lộc Bình tham gia học nghề theo Đề án 1956
Trong năm 2012, theo đăng ký của các xã và tổ chức được 5 lớp dạy nghề, trong đó có 3 lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 93 lao động nông thôn tại các xã: Nhượng Bạn, Tĩnh Bắc, Xuân Mãn; 2 lớp dạy nghề chăn nuôi lợn, gà cho 70 lao động tại xã Khuất Xá. Ông Nguyễn Văn Oanh, Phó Giám đốc TTDN huyện Lộc Bình chia sẻ: Các lớp nghề được tổ chức với mục đích trang bị cho LĐNT những kiến thức cơ bản để ứng dụng thành thạo tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề ở nông thôn. Cùng với đó, tạo nguồn lực tại chỗ phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Ngoài các lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, TTDN Lộc Bình còn phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy nghề theo nhu cầu xã hội như đào tạo, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, ô tô hạng B2, tuyển sinh lớp từ trung cấp liên thông lên đại học sư phạm cho các giáo viên tiểu học và mầm non trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả tích cực ấy, trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Lộc Bình vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Ông Nguyễn Văn Oanh cho biết: Trong công tác tuyển sinh hiện nay vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, vào cuộc. Cùng với đó, do chương trình dạy nghề ngắn hạn nên kiến thức LĐNT nắm được vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT chưa thực sự được sâu sát, hiệu quả chưa cao. Một khó khăn nữa là LĐNT của huyện chưa thực sự mặn mà với việc chuyển đổi nghề, chủ yếu vẫn là chăn nuôi gà, lợn, sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ kinh tế hộ gia đình.
Tìm hiểu về vấn đề
này, chúng tôi được biết, thời gian qua đã có nhiều công ty, doanh nghiệp đặt
hàng tuyển lao động với TTDN Lộc Bình như Công ty May xuất khẩu Kiến Giang (Bắc
Ninh) tuyển lao động nghề may; Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm TKV (Tập đoàn
Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đóng tại Quảng Ninh tuyển sinh trung
cấp nghề kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò… nhưng thông báo liên tục vẫn không có
hoặc có rất ít LĐNT đăng ký học và làm việc. Trong năm 2012, không có lao động nào
đăng ký nghề may, còn nghề kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò có 5 lao động…
Chính vì vậy, làm thế nào để thay đổi tư duy về lao động, việc làm trong LĐNT luôn là một vấn đề nan giải không của riêng TTDN Lộc Bình mà còn của các huyện, thành phố trong tỉnh. Đối với một số nghề khác như nấu ăn, nhằm tạo điều kiện cho lao động sau khi học xong có việc làm thì hiện nay, TTDN huyện Lộc Bình đang khẩn trương xin bổ sung giấy phép nghề đào tạo để có thể triển khai tuyển sinh và đào tạo trong năm 2013.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định sự nỗ lực của TTDN Lộc Bình trong việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Phát huy những kết quả đó, trong năm 2013, TTDN huyện Lộc Bình sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần vào thực hiện thắng lợi công cuộc giảm nghèo của địa phương.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự