Phòng, chống dịch lợn tai xanh: Ghi nhận ở vùng giáp ranh

Thứ tư - 12/05/2010 19:56
Nằm trên quốc lộ 1A, giáp ranh với huyện Hữu Lũng và tỉnh Bắc Giang – 2 địa phương đã bùng phát dịch lợn tai xanh, nguy cơ xâm nhiễm và bùng phát dịch ở Chi Lăng là rất lớn. Phòng, chống và ngăn chặn sự xâm nhiễm của bệnh dịch, không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với toàn tỉnh, bởi Chi Lăng là chốt chặn quan trọng phía nam Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Ngọc Toan, Trạm trưởng Trạm thú y Chi Lăng sơ qua về những nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh tai xanh trên địa bàn: Là khu vực giáp ranh với 2 vùng dịch, Chi Lăng có 8 xã nằm trên quốc lộ 1A, có đường sắt đi qua, đồng thời có 4 chợ có hoạt động buôn bán động vật và sản phẩm động vật khá nhộn nhịp, chính vì vậy nguy cơ đầu tiên và lớn nhất phải kể đến chính là sự xâm nhiễm dịch tai xanh vào địa bàn thông qua con đường vận chuyển.

Cũng phải nói thêm rằng, chưa chủ động được con giống, nên hiện nay Chi Lăng vẫn là một thị trường lợn giống lớn của các tỉnh miền xuôi, trong đó có Bắc Giang – nơi đã bùng phát dịch.

Ngoài các trục đường chính dễ kiểm soát hơn, thì Chi Lăng còn có một số địa phương như Hữu Kiên có nhiều đường mòn mà thương lái có thể vận chuyển lợn từ Bắc Giang lên, nguy cơ này rất nguy hiểm, bởi số lượng vận chuyển nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát và theo phân tích thì không loại trừ trường hợp người dân trong vùng dịch bán chạy lợn bệnh vào những địa bàn giáp ranh qua những đường mòn như vậy. 

 

Chủ động vệ sinh chuồng trại, quản lý đàn vật nuôi – một trong những biện pháp tích cực phòng, chống dịch bệnh.

Trong những năm qua, phong trào chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Chi Lăng phát triển khá mạnh mẽ và theo thống kê thì hiện nay toàn huyện có khoảng 45 điểm giết mổ lợn tư nhân. Những con số cho thấy việc phát sinh dịch bệnh ngay trong địa bàn cũng là một nguy cơ đe doạ bùng phát dịch tai xanh ở chốt chặn quan trọng phía nam Lạng Sơn này.

Phân tích rõ tình hình, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn đã và đang được Chi Lăng thực hiện một cách khẩn trương. Công tác kiểm dịch trên khâu lưu thông vận chuyển là một trong những khâu trọng yếu được UBND huyện tập trung chỉ đạo.

Theo đó các cơ quan chức năng đã tăng cường sự phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tiến hành tiêu huỷ luôn động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bệnh, ốm.

Tăng cường giám sát lợn giống tại các điểm chợ, thực hiện kiểm tra nguồn gốc, tình trạng sức khoẻ hiện tại và phun tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, đến nay Chi Lăng cũng đã thành lập chốt kiểm dịch tạm thời tại thôn Bản Trang, xã Quan Sơn, đây là thôn giáp ranh với vùng dịch Bắc Giang.

UBND huyện cũng đã có Quyết định trưng tập cán bộ liên ngành gồm cán bộ thú y, Công an huyện, Quản lý thị trường, Công an xã và xã đội trưởng xã Quan Sơn làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch tạm thời.

Đối với nội địa, ông Toan cho biết: Đã chỉ đạo và giao cho Trưởng thú y viên xã giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh ở cơ sở, từ các hộ chăn nuôi. Nếu có dấu hiệu điển hình lập tức báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm ngay.

Cùng với đó là tập trung tuyên truyền, khuyến cáo cho các hộ chăn nuôi tự phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là tại các trang trại, gia trại, các hộ gia đình chăn nuôi lợn nái.

Với sự chủ động, tích cực, Chi Lăng đang dần hình thành một phòng tuyến vững chắc ở phía nam của Lạng Sơn, ngăn chặn sự bùng phát và xâm nhiễm dịch tai xanh, đảm bảo sự phát triển ổn định trong chăn nuôi và kinh tế của nhân dân.

Nguồn tin: baolangson

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây