Xử lý số gia cầm giống nhập lậu bị bắt giữ: Không thể cứ “đốt” mãi

Thứ bảy - 05/06/2010 22:07
Chỉ tính riêng năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, Lạng Sơn đã bắt giữ và tiêu hủy gần 1 triệu con gia cầm giống nhập lậu các loại. Chừng nào nhu cầu giống trong nước vẫn còn, thì các “đầu nậu gà” luôn tìm mọi cách thẩm lậu gia cầm giống vào Việt Nam. Xử lý số gia cầm giống nhập lậu bị bắt giữ bằng hình thức đổ xăng rồi đốt không phải là cách làm hiệu quả cho một “cuộc chiến” trường kỳ. Lạng Sơn và một số địa phương khác đang rất cần một cơ chế phù hợp hơn cho “câu chuyện con gà giống”…

Những bất cập…

Trong những năm gần đây, gia cầm giống có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được các trang trại chăn nuôi tại các tỉnh miền xuôi tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là gà giống. Vì mục đích lợi nhuận và nhằm trốn tránh các quy định kiểm tra, kiểm dịch rất chặt chẽ về động vật nhập khẩu, các đầu nậu tìm mọi cách, không kể đêm ngày nhập lậu gia cầm giống về Việt Nam.

Gia cầm giống thẩm lậu bằng mọi con đường có thể: “xách tay” qua đường mòn lối tắt, tập kết rồi di chuyển bằng ô tô, xe máy…  về các tỉnh dưới xuôi. Thậm chí, để “gọn nhẹ” không ồn ào, các đầu nậu còn nhập cả trứng đang ấp dở, căn ke thời gian, quãng đường sao cho trứng “vừa đi vừa nở” và khi đến nơi tiêu thụ thì trứng đã thành gà giống, thành vịt giống.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khảo sát tại khu cách ly kiểm dịch trên địa bàn huyện Văn Lãng.

Cuộc chiến ngăn chặn gia cầm giống nhập lậu tại Lạng Sơn không mới, thậm chí là trường kỳ. Với những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu thì việc bắt giữ được dù chỉ là một con gà giống thôi cũng không phải là đơn giản. Tuy nhiên, trong những giai đoạn nguồn cung con giống trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, các lực lượng chức năng tại Lạng Sơn đã liên tục tăng cường đấu tranh, phòng chống, bắt giữ hàng triệu con gia cầm giống các loại.

Nhập lậu gia cầm giống là hành vi bất hợp pháp cần được ngăn chặn là điều đương nhiên và chưa bao giờ Lạng Sơn lơi là công tác này, nhưng việc xử lý số gia cầm giống bị bắt giữ đang bộc lộ nhiều bất cập và cần có cơ chế phù hợp hơn.

Hiện nay, toàn bộ số gia cầm giống nhập lậu bị thu giữ đều được tổ chức tiêu hủy theo quy định (chủ yếu là đào hố chôn rồi đổ xăng đốt). Chưa kể tới việc cách thức tiêu hủy trên vừa tốn kém lại vừa ảnh hưởng tới môi trường, số gia cầm giống nhập lậu bị thu giữ dù gì thì cũng là một “dạng hàng hóa” có giá trị trên thị trường, thậm chí được tiêu thụ mạnh.

Nếu thông qua công tác cách ly kiểm tra, kiểm dịch, chúng ta có thể khẳng định rằng: Số gia cầm giống bị thu giữ không phát sinh dịch bệnh và đảm bảo về chất lượng thì việc xử lý sẽ mở ra nhiều hướng đi phù hợp hơn.

 

Xét nghiệm mẫu kiểm dịch.

Cần có cơ chế cụ thể

Trước tiên cần khẳng định rằng, nếu thị trường cung ứng gia cầm giống trong nước vẫn tiếp tục không đáp ứng đủ nhu cầu, mỗi con gia cầm giống nhập lậu luôn là “món hàng nóng” được tiêu thụ mạnh thì cuộc chiến chống gia cầm giống nhập lậu sẽ còn kéo dài và số lượng gia cầm giống bị bắt giữ sẽ ngày càng nhiều.

Thay vì việc bắt rồi đốt, đốt rồi bắt như hiện nay, các địa phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh… đang rất cần một cơ chế khác nhằm xử lý có hiệu quả đối với số gia cầm giống bị bắt giữ. Hiện nay, một số mặt hàng nhập lậu bị thu giữ không nằm trong danh mục bắt buộc phải tiêu hủy hoặc cấm tái sử dụng, sau khi kiểm tra, kiểm định sẽ được đấu giá công khai theo quy định nhằm đảm bảo nguồn thu cho nhà nước, tránh lãng phí.

Tất nhiên, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, ngăn chặn dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu nhưng nếu có cơ chế hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nhân lực để có thể cách ly thực hiện kiểm tra, kiểm dịch số gia cầm giống bị bắt giữ, thì hàng năm các địa phương như Lạng Sơn sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ việc tiêu hủy và thu về cho nhà nước hàng tỉ đồng từ việc tái sử dụng số gia cầm giống trên.

Hàng triệu con gia cầm giống bị bắt giữ mỗi năm, sau khi cách ly kiểm tra, kiểm dịch, số con giống đảm bảo an toàn và chất lượng được cung ứng hợp pháp trở lại cho chăn nuôi sẽ góp phần không nhỏ làm giảm sức “nóng” của thị trường, đồng thời góp phần hạ nhiệt cuộc chiến chống gia cầm giống nhập lậu hiện nay.     

Trong chuyến thăm và làm việc tại Lạng Sơn vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rất quan tâm đến công tác phòng chống gia cầm giống nhập lậu và vấn đề xử lý số gia cầm giống bị bắt giữ.

Các ngành chức năng cũng đã chủ động đề xuất với Phó Thủ tướng và các bộ ngành liên quan một số giải pháp liên quan đến công tác này. Trong tháng 6, Khu cách ly kiểm dịch động vật thuộc Bộ NN và PTNT trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng sẽ đi vào hoạt động, cùng với những cơ chế của Trung ương, hy vọng rằng: Công tác xử lý gia cầm giống nhập lậu hiện nay sẽ có những cách thức phù hợp và hiệu quả hơn.

Nguồn tin: báo Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây